Kịch bản 1 euro "ăn" 1 USD

ANTD.VN - Cơn “địa chấn” trưng cầu dân ý tại Italia cùng hàng loạt động thái khác đã khiến euro - đồng tiền chung của châu Âu, rớt giá mạnh so với đồng USD. Không chỉ “thất thế” so với đồng USD, tỷ giá đồng euro còn giảm khá mạnh so với các ngoại tệ chủ chốt khác trên thế giới.

Đồng euro đang giảm giá mạnh trước áp lực tăng giá của đồng USD 

Giá trị đồng euro đã xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong gần 20 tháng qua khi tỷ giá đồng euro đã giảm tới 1,4% so với đồng USD trong phiên giao dịch sáng 5-12, xuống chỉ còn 1 euro đổi 1,0505 USD trước khi nhích lên 1,0539 USD đổi 1 euro vào cuối phiên giao dịch.

1 euro đổi 1,0539 USD là tỷ giá trao đổi thấp nhất của euro so với USD kể từ tháng 3-2015, trong khi mức giảm 1,4% là mức giảm giá mạnh nhất của đồng euro so với USD trong 6 tháng qua.

Điều này khiến giới phân tích nhận định rằng, nếu đồng euro tiếp tục giảm xuống mức thấp ghi nhận hồi tháng 3-2015 là 1,0457 USD đổi 1 euro, thì kịch bản tỷ giá 1 USD “ăn” 1 euro rất có thể xảy ra. 

Không chỉ “thất thế” so với đồng USD, tỷ giá đồng euro còn giảm khá mạnh so với các ngoại tệ chủ chốt khác trên thế giới trong phiên giao dịch sáng 5-12. Theo đó, tỷ giá đồng euro đã giảm tới 2,1% so với đồng yên của Nhật Bản, còn 1 euro đổi 118,71 yên; giảm hơn 0,7% so với đồng bảng Anh, xuống còn 0,8315 bảng/euro - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 vừa qua.

Nguyên nhân chính và trực tiếp khiến đồng euro mất giá so với USD cũng như các đồng tiền mạnh khác là do tác động tiêu cực từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Italia. Thất bại của Thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu ý dân khiến giới đầu tư lo ngại Italia rơi vào vòng xoáy bất ổn mới, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới và làm rung chuyển hệ thống ngân hàng vốn đang rất “ốm yếu” của quốc gia này.

Bên cạnh đó, việc đảng đối lập Phong trào Năm Sao (M5S), một đảng dân túy phản đối mạnh mẽ đề xuất của Thủ tướng Matteo Renzi, giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, cũng làm dấy lên quan ngại về việc xảy ra “kịch bản” tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) tại Italia, tương tự Brexit của nước Anh.

Trong trường hợp Italia, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau Đức và Pháp, nối gót Anh rời khỏi EU có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho liên minh này.

Không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bất ổn chính trị tại Italia cũng như tác động lan tỏa của nó, đồng euro còn đang phải chịu áp lực lớn từ sự lên giá của USD, đồng ngoại tệ chủ chốt toàn cầu. Đồng USD gần đây đã liên tục lên giá so với các đồng tiền mạnh trên thế giới do giới kinh tế cho rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp diễn ra vào 2 ngày 13 và 14-12 này.

Đồng USD mạnh lên còn bởi các nhà đầu tư đang kỳ vọng những chính sách kinh tế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ triển khai thực hiện khi chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017 sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn của cường quốc kinh tế số 1 thế giới này. Trong đó nổi bật là việc giảm thuế, thúc đẩy tăng trưởng nội địa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm… mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết.

Việc đồng euro giảm giá trong khi đồng USD đi lên khiến giới kinh tế cho rằng có khả năng xảy ra “kịch bản” 1 euro “ăn” 1 USD, thậm chí xuống tới mức đáy 1 euro chỉ đổi được 0,825 USD như hồi tháng 10-2000.