Khủng hoảng thừa đàn ông ở làng quê Trung Quốc

ANTĐ - Theo Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2015, tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa bé trai và gái là 113,51/100. 20 năm qua, tỷ lệ này từng có lúc lên tới 120/ 100. Giờ đây, những bé trai ra đời vào thời điểm chênh lệch giới tính cao lần lượt bước vào tuổi kết hôn và gặp rất nhiều khó khăn để tìm vợ, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Khủng hoảng thừa đàn ông ở làng quê Trung Quốc ảnh 1Nhiều đàn ông lớn tuổi ở làng quê Trung Quốc vẫn đơn thân vì không lấy được vợ

Vấn đề nổi cộm trong thế kỷ 21

Tình trạng hôn nhân của hàng chục triệu nam thanh niên đang trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt càng ở những vùng xa xôi và nghèo khó thì áp lực hôn nhân càng lớn. Năm 2015, báo Thanh niên Trung Quốc đã cử nhiều phóng viên tới làng quê nghèo ở các tỉnh như: Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Cam Túc, Quảng Tây… cùng kết hợp với một số tổ chức nghiên cứu thực hiện điều tra kéo dài nửa năm về thực trạng thanh niên vùng quê khó lấy vợ. 

Ông Đặng Mạnh Hưng (56 tuổi) ở thôn Hàn Chu Cương thuộc huyện Thông Hứa, thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam cho biết, trung tâm môi giới hôn nhân do ông mở ra gần 10 năm nay đã phải đóng cửa hồi năm 2014 do các thôn làng xung quanh đều thừa nam, thiếu nữ.

Trước năm 2010, mỗi năm, ông Đặng có thể làm mai thành công cho hơn chục cặp đôi.

Nhưng gần đây, chỉ có nam độc thân tăng lên còn nữ giới độc thân ngày càng ít. Nói về chuyện lấy vợ cho con trai, gia đình họ Vương ở thôn Sài Loan, huyện Tân An, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam chỉ biết thở dài tuyệt vọng. Ông Vương Phi Long có 3 anh em trai, mỗi anh em lại sinh liền 3 con trai và nay chúng đều đến tuổi lập gia đình riêng. Dù các bà vợ họ Vương đã chạy đôn chạy đáo, hỏi thăm tìm mối giới thiệu nhưng vô ích. 

Theo nhận định của Giáo sư Lý Thụ Truật thuộc Trung tâm Nghiên cứu dân số và phát triển của Đại học Giao thông Tây An, bắt đầu từ năm 2010, Trung Quốc sẽ trải qua “áp lực hôn nhân của nam giới” trong nhiều thập kỷ. Trong số những nam giới sinh sau năm 1980, sẽ có 10-15% không tìm được bạn đời đúng tuổi kết hôn. Tỷ lệ này đối với thanh niên ở nông thôn sẽ còn tăng cao. “Đây là một cuộc khủng hoảng có quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài và chắc chắn sẽ là vấn đề nổi cộm của Trung Quốc trong thế kỷ 21” - ông Lý nói.

Muôn vàn lý do khó giải quyết

Mỗi mùa xuân, Trung tâm Nghiên cứu trị lý hương thôn Trung Quốc thuộc Đại học Khoa học và kỹ thuật Hoa Trung ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc lại cử một đội nghiên cứu về làng xã. Hầu hết học giả thuộc trung tâm này cho rằng, kinh tế túng bấn là lý do căn bản khiến nam giới nông thôn Trung Quốc “thất hôn”. Thạc sĩ Lưu Nhuệ dẫn chứng câu chuyện về một người bạn, do gia đình nghèo khó, Đặng Trường Thanh (37 tuổi, đồng hương với ông Lưu) bỏ học sau khi tốt nghiệp cấp 2. Sau nhiều năm lao động chân tay, Đặng vẫn không thoát nghèo. Nhiều cô gái thấy gia cảnh Đặng bần hàn nên từ chối kết giao. Nỗi buồn không tìm được vợ không chỉ gây áp lực lên Đặng Trường Thanh, mà còn khiến gia đình bị thị phi.

Nguyên nhân khác lại cho rằng trai làng ế vợ là vì… chậm chân. Thạc sĩ Hạ Trụ Trí cho biết, quê ông ở tỉnh Hồ Bắc gần đây xuất hiện trào lưu xem mặt sớm, nam thanh niên 17 tuổi đã gia nhập đội quân tìm vợ. Các bà mai mối thường nói: “Hiện giờ con gái rất ít, phải nhanh nhanh chiếm chỗ”. Gia đình đông anh em trai cũng là một trở ngại hôn nhân. Thạc sĩ Ngụy Trình Lâm kể câu chuyện về một gia đình mà ông từng nghiên cứu ở tỉnh Hà Nam. Gia đình này có 3 con trai, khi người con cả đi xem mặt, nhà gái đưa ra giá thách cưới 128.000 NDT (hơn 400 triệu VND), gia đình nhà trai bấm bụng đồng ý. Nhưng vài ngày sau, nhà gái hủy giao ước với lý do nhà thông gia đông con trai và họ sợ con mình sau này phải gánh nhiều trọng trách gia đình mà không được hưởng nhiều tài sản thừa kế.

Người môi giới hôn nhân Đặng Mạnh Hưng phân loại 3 kiểu nam giới ông từng giúp tìm kiếm bạn đời: Loại 1 là gia đình điều kiện kinh tế tốt, cao trên 1m75, khỏe mạnh, nhà ở trung tâm. Loại 2 là gia đình kinh tế khá, không quá thấp, ít nhất học xong cấp 2. Loại 3 là gia cảnh nghèo, cao dưới 1m65. Nhưng nếu nhà có trên 3 anh em trai thì dù tình trạng kinh tế thuộc loại 2 cũng bị đánh xuống loại 3. 

Tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng đã dẫn tới hệ lụy xã hội. Ở một số vùng nghèo khó, những đàn ông lớn tuổi chưa kết hôn đã sử dụng phương pháp “chuyển phòng”. Chẳng hạn, gia đình họ Trần ở một vùng núi tỉnh Quý Châu có 4 anh em trai, người thứ ba tử nạn trong một lần khai thác khoáng sản. Để con dâu không thể tái giá và cũng là tiết kiệm tiền tìm vợ cho con trai út, gia đình họ Trần ép chị dâu lấy em chồng. “Điều đáng lo ngại là khủng hoảng ế vợ mới chỉ bắt đầu, những nam giới thế hệ 9X đang bước vào tuổi lập gia đình, do đó áp lực hôn nhân đè lên vai họ sẽ gia tăng” - học giả Lý Thụ Truật nhận định.