Khủng hoảng "kép" di cư

ANTD.VN - Trong khi chưa thể tìm ra cách thức hữu hiệu để ngăn chặn dòng người di cư ùn ùn đổ vào châu Âu, thì các quốc gia cựu lục địa cũng còn nhiều bất đồng trong chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Cảnh sát Đức đang giám sát những người tị nạn đi qua biên giới giữa nước này và Áo

Lên tiếng ngày 21-9 tại cuộc họp của đoàn nghị sĩ đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) bang Bayern, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Thomas de Maizière cho biết, cơ chế kiểm soát biên giới giữa nước này với Áo sẽ tiếp tục được gia hạn thêm 6 tháng nữa đến tháng 11 tới.

Cho dù vẫn khẳng định mục tiêu mà nước Đức theo đuổi lâu nay là thực hiện một khu vực tự do đi lại Schengen không còn kiểm soát biên giới, song ông Maizière cũng nêu rõ điều kiện cho mục tiêu này là phải có sự bảo vệ lâu dài và bền vững vùng biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, sau khi phải chịu rất nhiều sức ép của các quốc gia EU và trong nước, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 9-2015 đã ký với Áo về cơ chế kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Áo tràn sang bang Bayern của Đức.

Khi lệnh kiểm soát có hiệu này hết hạn vào tháng 2-2016, Đức và Áo đã gia hạn tới tháng 5-2016 và nay một lần nữa phải gia hạn thêm 6 tháng nữa nhằm hạn chế người tị nạn bất hợp pháp vào Đức qua các cửa khẩu bang Bayern, nơi có hàng trăm nghìn người vào Đức từ Áo, kể từ đầu năm 2015.

Có thể nói, việc Đức và Áo gia hạn cơ chế kiểm soát biên giới là một minh chứng cho thấy cuộc khủng hoảng di cư vốn làm cả EU và châu Âu lao đao vẫn chưa được giải quyết. Bùng nổ từ khi những cuộc xung đột ở các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á như Syria, Iraq, Lybia, Afghanistan… leo thang, dòng người di cư từ những điểm nóng này đổ vào đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư chưa từng thấy với EU, trong đó riêng năm 2015 đã có khoảng 1,3 triệu người tị nạn tới châu Âu.

Cuộc khủng hoảng di cư còn dẫn tới bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc giữa các thành viên EU cũng như các quốc gia châu Âu. Một bên, chủ yếu là Đức, muốn tiếp nhận những người buộc phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn, song nhiều quốc gia khác, nhất là các nước là điểm đến của người tị nạn như Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hungary, Macedonia, Slovenia…, muốn đóng cửa biên giới, trục xuất người tị nạn về nơi xuất phát. Nhiều nước ở Đông Âu đã dựng lên hàng rào ở biên giới để ngăn chặn người di cư bất hợp pháp. 

Sau những tranh cãi gay gắt, EU cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận nhằm phân loại người tị nạn cũng như “phân bổ hạn ngạch” tiếp nhận những người này cho các thành viên. Việc châu Âu vẫn tiếp tục duy trì chính sách “dang rộng cánh tay” đã khiến dòng người tị nạn tiếp tục đổ dồn vào châu lục này với dự báo số người tị nạn năm 2016 sẽ vượt xa số người tị nạn của năm 2015.

Cuộc khủng hoảng tị nạn bị đẩy tới ngưỡng “gần đạt giới hạn” về khả năng tiếp nhận thêm người tị nạn như thừa nhận của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk ngày 4-9 vừa qua càng đào sâu thêm bất đồng giữa các nước châu Âu trong cách thức giải quyết. Việc xử lý cuộc khủng hoảng này có thể bước sang ngã rẽ quan trọng khi nữ Thủ tướng Đức Merkel không chịu nổi sức ép trong nước và quốc tế để buộc phải nhượng bộ trong chính sách với người tị nạn.