Khủng hoảng... gạo
(ANTĐ) - Giá gạo trên thị trường thế giới tăng chóng mặt lên hơn 700 USD mỗi tấn, mức giá cao nhất trong 34 năm qua, đang đẩy nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng.
Thiếu gạo và giá gạo tăng từng ngày đang trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng tại Philippines. Nóng tới mức mà “cuộc khủng hoảng gạo”, theo cách gọi của báo chí Philippines, liên tục xuất hiện nổi bật trên trang nhất của tất cả các nhật báo.
Bangladesh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực. Chỉ một năm trở lại đây, giá gạo đã tăng gấp đôi ở Bangladesh - một quốc gia Nam á nghèo có khoảng 145 triệu dân, trong đó có tới 40% sống với thu nhập chưa tới 1 USD/ngày.
Khá giả hơn như Hongkong cũng đang phải lao đao vì thiếu gạo. Một hiện tượng chưa từng thấy đã xảy ra là người dân đua nhau đổ xô đi mua gạo. Việc đầu cơ tích trữ gạo cũng đang diễn ra phổ biến tại các nước nhập khẩu lớn như Indonesia hay Iran...
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá gạo thế giới tăng vọt thời gian gần đây là do thời tiết xấu gây thiệt hại mùa màng, phát triển đô thị thu hẹp diện tích đất cấy lúa và do nhu cầu lớn từ các nước có nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc cùng một số nước châu á khác.
Người dân Philippines với biểu ngữ “Chúng tôi muốn giá gạo giảm một nửa chứ không phải chỉ một nửa gạo” |
Trong khi đó nguồn gạo dự trữ của thế giới hiện đã giảm xuống còn 70 triệu tấn, mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Tình trạng thiếu gạo càng trầm trọng thêm khi đầu cơ lan rộng. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse, cho biết doanh nghiệp Thái Lan đã ký hợp đồng bán gạo cho nước ngoài sẵn sàng hủy hợp đồng và chấp nhận bồi thường vì không có đủ gạo hoặc để chờ giá gạo lên cao.
Ông Robert Zeigler - Tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu gạo quốc tế ở Philippines, nhìn nhận: “Toàn bộ thị trường có thể bị tê liệt. Ai chịu bán gạo với giá 750 USD/tấn một khi họ nghĩ giá có thể tới đỉnh 1.000 USD/tấn?”.
Nguy cơ khủng hoảng gạo đang gây lo ngại sâu sắc đối với nhiều quốc gia. Một số quốc gia xuất khẩu gạo như ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo từ tháng 10-2007 để đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều nước khác thì đua tranh mua gạo dự trữ.
Chủ tịch Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) của LHQ Angel Gurria cảnh báo thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng lương thực khi giá gạo sẽ còn tăng trong 10 năm tới và điều này đang tác động tiêu cực lên người nghèo.
Giá tăng cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua đang gây khó khăn cho 2,5 tỷ người châu Á phải sống phụ thuộc vào nguồn lương thực này. Theo Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP), mỗi ngày trên thế giới hiện có hơn 25.000 người bị chết hoặc ốm vì đói.
“Đó quả là một thảm họa”-WFP bình luận trước thực tế đã có 37 quốc gia lâm vào khủng hoảng lương thực. Tổ chức này của LHQ cảnh báo tình trạng giá lương thực tăng cao kỷ lục và lạm phát kéo dài sẽ gây ra một “nạn đói mới” trên toàn cầu, đồng thời tạo ra tình trạng hỗn loạn ở các nước nghèo. Giới phân tích chính trị cho rằng bất ổn xã hội và chính trị rất dễ bùng nổ một khi để xảy ra nạn đói.
Hoàng Hà