Khủng bố - nỗi ám ảnh chưa dứt với nước Mỹ

ANTD.VN - Chưa kịp quảng bá cho chiến lược chống khủng bố mới, lần đầu tiên được công bố kể từ năm 2011, nước Mỹ lại xôn xao trước thông tin những bì thư chứa độc tố được gửi tới Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. 

Khủng bố - nỗi ám ảnh chưa dứt với nước Mỹ ảnh 1Các chuyên viên hóa học kiểm tra bì thư được gửi tới Lầu Năm Góc

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, 2 phong bì thư được chuyển tới Lầu Năm Góc ngày 2-10 đã được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với Ricin - một chất độc cực mạnh. Hai phong bì thư này được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Đô đốc John Richardson, Chỉ huy các chiến dịch hải quân. Một lá thư khác chứa chất độc tương tự cũng được gửi cho Tổng thống Donald Trump.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những vụ khủng bố bằng chất độc ở Mỹ. Năm 2001, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9 gây chấn động thế giới, nước Mỹ phải hứng chịu đợt tấn công khủng bố bằng cách gửi thư nhiễm độc vi khuẩn gây bệnh than, mở đầu ở bang Florida, sau đó lan sang thành phố New York và Thủ đô Washington. Đối tượng và địa điểm mà những kẻ khủng bố tấn công là các nghị sĩ Quốc hội, nhân viên bưu điện, cơ quan báo chí và truyền hình… 

Năm 2013, những bức thư chứa chất độc Ricin chết người đã được gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama, một thượng nghị sĩ và quan chức tư pháp ở bang Mississippi. Cục điều tra liên bang Mỹ sau đó đã tìm thấy nhiều dấu vết của chất độc Ricin trong phòng tập võ thuật của kẻ tình nghi người Mỹ tên là Everett Dutschke.

Liên quan trực tiếp đến gia đình Tổng thống Donald Trump, hồi tháng 1-2018, bà Vanessa Trump, vợ của ông Donald Trump, Junior (con trai cả của ông Trump), đã phải nhập viện sau khi tiếp xúc với chất bột trắng chứa trong một bưu phẩm gửi đến nhà bà ở New York. Năm 2016, con trai thứ của ông Trump là Eric cũng nhận bưu phẩm chứa chất bột màu trắng nhưng không gây nguy hiểm.

Xem ra khi chưa thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn, thì việc sử dụng các chất kịch độc để tiến hành các vụ tấn công quy mô nhỏ đang được những kẻ khủng bố ưa dùng. Năm 2011, tờ New York Times từng tiết lộ thông tin rằng, các quan chức chống khủng bố của Mỹ “ngày càng quan ngại” trước việc những kẻ khủng bố đang cố sản xuất chất cực độc để tấn công chống lại nước Mỹ.

Chẳng hạn như chất độc Ricin, chỉ là một sản phẩm phụ trong quá trình chiết xuất dầu từ hạt cây thầu dầu, tuy nhiên qua một quá trình xử lý phức tạp, Ricin trở thành vũ khí sinh học khủng khiếp. Một lượng nhỏ Ricin cũng nhanh chóng gây tử vong cho con người vì nó cản trở quá trình sản xuất protein. Trên lý thuyết, 1 gam chất này đủ để giết khoảng 36.000  người. Mức độ độc của Ricin được đánh giá là gấp 6.000  lần cyanide và hiện chưa có thuốc giải độc. Chính vì khả năng “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” trên diện rộng nên Ricin rất được các mạng lưới khủng bố “ưa chuộng”.

Điều gì sẽ xảy ra khi các vũ khí sinh học, hóa học như vậy lọt vào tay những kẻ khủng bố? Tại Hội nghị an ninh ở Munich (Đức) vào tháng 2 năm ngoái, tỉ phú Mỹ Bill Gates - nhà đồng sáng lập Microsoft đã đưa lời cảnh báo rợn người về chủ nghĩa khủng bố sinh học. Ông Gates vẽ ra viễn cảnh kẻ khủng bố sử dụng công nghệ điều chỉnh gene để tạo ra một phiên bản nhân tạo của virus gây bệnh đậu mùa… hoặc một chủng cúm chết chóc đặc biệt lây lan mạnh, có thể giết chết hàng chục triệu người trong chưa đầy 12 tháng.

Quay trở lại vụ những bì thư chứa độc tố được gửi tới Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Nghi phạm William Clyde Allen, kẻ từng phục vụ cho hải quân Mỹ trong 4 năm và ra khỏi lực lượng này vào năm 2002, đã bị bắt ngay vào ngày 3-10, cũng chưa có ai thiệt mạng. Nhưng vụ việc này cũng như lời cảnh báo của tỷ phú Bill Gates cho thấy khủng bố vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh với nước Mỹ.