Không thể lơ là cuộc chiến chống khủng bố

ANTD.VN - Khủng bố, đặc biệt là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vẫn là một hiểm họa lớn đe dọa cuộc sống bình yên trên thế giới, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay loại bỏ tới tận gốc rễ.

Không thể lơ là cuộc chiến chống khủng bố ảnh 1Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Iraq đã dấy lên những lo ngại về sự chủ quan trong cuộc chiến chống khủng bố - đặc biệt là IS

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 11-2, Phó Tổng Thư ký phụ trách Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp  quốc Vladimir Voronkov lên tiếng cảnh báo rằng, các nước không nên có tâm lý tự mãn trước những thành công trong cuộc chiến chống tổ chức IS tự xưng. Bởi theo người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc,  IS vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh và sự ổn định tại nhiều khu vực trên thế giới. 

Lời cảnh báo của ông Vladimir Voronkov được đưa ra giữa lúc thế giới có những nhận định, đánh giá và quan trọng nhất là hành động khác nhau đối với khủng bố quốc tế. Đáng chú ý nhất là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi trung tuần tháng 12-2018 rằng “đã giành chiến thắng hoàn toàn trước IS” và ra lệnh rút 2.000 quân Mỹ tại Syria về nước.

Đúng là so với thời điểm hoành hành dữ dội nhất vào những năm 2014-2015, với việc chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria tương đương với diện tích nước Anh (khoảng 130 nghìn km2), thì hiện nay IS chỉ còn kiểm soát vài khu vực không đáng kể, chủ yếu là các vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh. Thế nhưng, điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc  tổ chức khủng bố khét tiếng này đã bị tiêu diệt hoàn toàn. 

Chúng vẫn còn nguyên bộ máy lãnh đạo với những thủ lĩnh cấp cao hoạt động bí mật, vẫn có khả năng điều khiển, chỉ huy hàng chục nghìn tay súng ở Trung Đông và nhiều quốc gia khác trên thế giới. IS vẫn đủ khả năng gây ra những vụ tấn công, khủng bố đẫm máu, trong đó vụ  tấn công liều chết thành phố Manbij ở miền Bắc Syria ngày 16-1 vừa qua khiến 19 người thiệt mạng, bao gồm 4 công dân Mỹ, là một minh chứng. Mới đây nhất, Iran và Indonesia cũng đã bắt giữ nhiều phần tử IS.

Phó Tổng Thư ký phụ trách Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc Voronkov ước tính, IS hiện có từ 14.000-18.000 tay súng, trong đó có tới 3.000 phần tử khủng bố nước ngoài. Tổ chức khủng bố IS tiếp tục phát triển thành một mạng lưới hoạt động ngầm ở cấp thấp và tái hợp ở cấp cao hơn nhằm phá hoại sự ổn định ở các khu vực trên thế giới. 

Cũng theo người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc, dù rút vào hoạt động ngầm, song những tên IS đầu sỏ vẫn duy trì tầm ảnh hưởng và nuôi mưu đồ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố quy mô trên thế giới. Ngoài ra, các tay súng khủng bố nước ngoài rời các vùng chiến sự tại Iraq và Syria để trở về nước, phụ nữ bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan, quá khích... cũng đặt ra những thách thức và mối đe dọa nghiêm trọng. Đáng lo ngại không kém là tuy đã mất hầu hết các vùng lãnh thổ, song IS kiếm được rất nhiều tiền thông qua các hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động tội phạm khác để duy trì nguồn tài chính luôn dao động từ 50 triệu - 300 triệu USD.

Chính vì thế, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách chống khủng bố cho rằng, các quốc gia trên toàn cầu không được phép chủ quan, lơ là trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung, đặc biệt là IS, do các mối đe dọa khủng bố vẫn ở mức độ cao và có nguy cơ lan rộng toàn cầu. Ông Voronkov kêu gọi, các nước tìm ra một giải pháp toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và nêu rõ hợp tác đa phương chặt chẽ sẽ giúp tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.