Không kích của Mỹ không ngăn nổi các binh sĩ nước ngoài gia nhập IS

ANTĐ -  Theo những tài liệu thống kê của Liên Hợp Quốc và trang Washington Post, các đợt không kích trị giá hàng trăm triệu USD của Mỹ cũng không thể ngăn nổi dòng người nước ngoài đến đầu quân cho IS ở Iraq và Syria.

“Các chiến binh nước ngoài vẫn tiếp tục đến Syria với số lượng ngày càng tăng”, một quan chức tình báo Mỹ trả lời với tờ Washington Post.

Tờ Washington Post ước lượng số chiến binh nước ngoài đến với Iraq và Syria đã vượt quá 16.000 người. Con số này cũng gần như trùng khớp với dự đoán của Liên Hợp Quốc gần đây, qua đó, hơn 15.000 binh sĩ từ 80 nước khác nhau đã đến gia nhập tổ chức IS. Liên Hợp Quốc cũng cho biết số lượng các phần tử khủng bố đã tăng mạnh trong giai đoạn từ 1990 đến 2010.

Không kích của Mỹ không ngăn nổi các binh sĩ nước ngoài gia nhập IS ảnh 1

Số lượng binh sĩ nước ngoài gia nhập IS đã lên đến 10.000 người

Ngoài ra, tài liệu của Liên Hợp Quốc và Washington Post cũng chỉ ra chi phí khổng lồ mà Mỹ phải bỏ ra cho chiến dịch quân sự, vốn chưa mang lại kết quả gì trong việc ngăn cản dòng người đến ủng hộ cho IS.

Mỹ và đồng minh hiện đã tiến hành tổng cộng 600 lượt không kích ở cả Iraq và Syria với mục tiêu chiến lược là ngăn cản quân khủng bố tập hợp lại lực lượng. Chi phí ước lượng cho cả hoạt động do thám và tấn công hiện nay đã lên đến 8,3 triệu USD/ngày. Ngoài ra, vào tuần trước, 32 người dân thường cũng đã được ghi nhận thiệt mạng trong những đợt không kích này.

Đầu tháng 10, hãng tin AP ước lượng riêng Mỹ đã chi tới 1,1 tỉ USD cho tất cả các hoạt động quân sự chống IS từ hồi tháng 6.

Giới chức Mỹ cho rằng việc không ngăn chặn được dòng chiến binh tới gia nhập IS không thể là một thước đo chính xác cho sự hiệu quả của chiến dịch không kích, vốn đã tiêu diệt được hơn 460 thành viên của IS và hơn 60 tay súng của những tổ chức khủng bố khác.

Mỹ cho rằng việc ngày càng nhiều thành viên nước ngoài đầu quân cho IS là do một vài nguyên nhân bao gồm phương thức tuyển mộ đặc biệt của IS qua nhiều kênh truyền thông và ngôn ngữ khác nhau, cũng như chính sách quản lí lỏng lẻo của các nước đối với những người bị tình nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan.