Khoảnh khắc lịch sử được đón chờ

ANTĐ - Sự kiện Mỹ chính thức mở lại Đại sứ quán tại Cuba sau 54 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao đang được dư luận thế giới đón nhận như một xu hướng lành mạnh trong quan hệ quốc tế. 
Khoảnh khắc lịch sử được đón chờ ảnh 1

Lễ thượng cờ trước Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô La Habana

Hôm 14-8, 3 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, những người từng làm lễ hạ cờ 54 năm về trước, đã trao lá cờ mới cho Đội quốc kỳ thuộc thủy quân lục chiến để kéo lên trước tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô La Habana - Cuba. Lễ thượng cờ dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry cùng sự tham gia của nhiều quan khách đã được truyền thông Cuba truyền hình trực tiếp. 

Đây là một bước đi biểu tượng cho sự nồng ấm trở lại trong quan hệ Mỹ - Cuba, điều mà chỉ cách đây gần một năm, đại đa số các nhà quan sát không thể nghĩ tới. Chính vì thế, sự kiện này được dư luận thế giới, đặc biệt là các nước Nam Mỹ, hưởng ứng tích cực. Trong khi ông J. Kerry gọi lễ thượng cờ là một khoảnh khắc lịch sử, thì lãnh đạo các nước Nam Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao tiến trình bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ.

Phó Tổng thống Venezuela J. Arreaza khẳng định, đây là thắng lợi của nhân dân các nước châu Mỹ trong cuộc đấu tranh yêu cầu Mỹ phải thiết lập quan hệ bình đẳng với Cuba. Tổng thống Bolivia E. Morales mong muốn Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ bao vây, cấm vận kinh tế chống Cuba và đánh giá cao tinh thần chiến đấu kiên cường của nhân dân Hòn đảo Tự do trong suốt hơn 5 thập kỷ qua. Còn Chính phủ Ecuador thì hối thúc Nhà Trắng nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận “vô nhân đạo” chống La Habana cũng như trả lại Vịnh Guantanamo cho Cuba. 

Báo chí Nam Mỹ trong những ngày qua cũng đưa tin đậm nét về sự kiện quan trọng này. Trong một bài viết được đăng tải trên nhật báo La Primera của Peru, nhà bình luận chính trị kiêm Tổng biên tập nhật báo này - C. Levano viết: “Không chỉ Cuba mà toàn khu vực Mỹ Latinh đang ăn mừng việc mở cửa Đại sứ quán Cuba tại Washington và Đại sứ quán Mỹ tại La Habana”. Nhiều kênh truyền hình của Argentina đã truyền hình trực tiếp lễ thượng cờ tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana. 

Hầu hết các nhà bình luận đều cho rằng, đây là một sự kiện “lịch sử”, cho thấy những rào cản “cũ kỹ, lỗi thời” đã trở thành quá khứ và đã đến thời điểm khai thác những tiềm năng và cơ hội của mối quan hệ Mỹ - Cuba. Tại Mỹ, tờ New York Times, thường kêu gọi mạnh mẽ Chính phủ Mỹ thay đổi chính sách đối với Cuba, đã đăng tải một bài xã luận hoan nghênh tiến trình khôi phục quan hệ song phương Mỹ - Cuba, gọi đó là “sự thay đổi mang tính lịch sử và khó khăn”. Tờ báo này còn viết thêm rằng, “cuối cùng, Quốc hội Mỹ sẽ cần dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại, một chính sách thất bại”.

Nếu nhìn lại quá khứ hơn nửa thế kỷ đối đầu giữa Mỹ và Cuba thì mới thấy nhận xét trên là có lý. Sự đối kháng này không chỉ dừng ở cấp độ song phương mà từng tồn tại như một yếu tố gây chia rẽ khu vực Mỹ Latinh, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trên phương diện chính trị và ý thức hệ. Chính vì thế, thông qua việc khôi phục quan hệ Cuba - Mỹ, người ta càng thấy rõ đối thoại và đàm phán là những công cụ hiệu quả hơn so với các biện pháp cấm vận và trừng phạt.

Tuy nhiên, trước những bước đi khả quan mà Cuba và Mỹ đã đạt được, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không ảo tưởng về việc ngay lập tức xóa đi những khác biệt to lớn giữa hai bên, từ động cơ cho tới mục đích, hay cả cách thức thực hiện tiến trình xích lại gần nhau. Chuyện thu hẹp khoảng cách cũng như tìm điểm chung là điều không phải một sớm một chiều có thể đạt được. Nhưng theo các nhà phân tích, vì những lợi ích có thể đạt được về kinh tế và địa-chính trị, dù sẽ gặp không ít thách thức, câu chuyện bình thường hóa quan hệ của hai quốc gia này sẽ đến được đích.