Khoảng trống để lại khi Thủ tướng Đức Angela Merkel rời nhiệm

ANTD.VN - Thủ tướng Đức Angela Merkel được coi là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu, một nhân vật cầm quyền suốt 13 năm với 4 nhiệm kỳ và nhiều năm liền là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Vậy điều gì đã làm nên một Angela Merkel mạnh mẽ như vậy và sự ra đi của bà sẽ có ảnh hưởng thế nào đối với châu Âu?

Gần đây, bà Angela Merkel (65 tuổi) đã từ chức lãnh đạo đảng của mình và sẽ không tái tranh cử. Đến năm 2021, khi nhiệm kỳ hiện tại của Merkel kết thúc, không chỉ Đức mà cả Liên minh châu Âu (EU) sẽ mất một trong những nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất trong lịch sử.

Người dẫn dắt chính trường châu Âu

Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Cộng hòa Liên bang Đức trở thành quốc gia đông dân nhất châu Âu. Đó cũng là thời kỳ bà Angela Merkel bước vào chính trường. Đến năm 1994, bà đã làm Bộ trưởng Môi trường và tới năm 2000 thì trúng cử chức Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU). 

Trong khi bà Merkel bắt đầu nổi lên thì nước Đức cũng dần trở nên quan trọng đối với châu Âu. Các nước châu Âu phụ thuộc vào nhau hơn khi biên giới châu Âu mở ra để dân chúng đi lại tự do và nước Đức dẫn đầu trong nỗ lực hình thành khu vực đồng tiền chung Eurozone với 11 nước thành viên sáng lập năm 1999. 

Vào năm 2000, EU càng nhìn sang Đức, một trong những quốc gia hùng mạnh với tư cách “thủ lĩnh” của khối. Từ năm 2005, bà Angela Merkel bắt đầu trở thành Thủ tướng và thể hiện tài năng trong xây dựng sự đồng thuận: Từ sự đồng thuận giữa hai miền Đông - Tây đến các chính đảng trong nước đồng thời củng cố sự ổn định về kinh tế. 

Sự phát triển kinh tế của Đức đặc biệt quan trọng trong bối cảnh EU bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến Hy Lạp rơi vào cảnh gần như phá sản, nhưng nước Đức đã vượt qua cơn khủng hoảng này tốt hơn cả, thậm chí Thủ tướng Đức đã giải cứu Hy Lạp bằng giải pháp kinh tế của mình và kế hoạch của bà được 16 nước ủng hộ.

Thời điểm đó, uy tín của Thủ tướng Angela Merkel tăng cao. Vào năm 2013, bà trúng cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3. Với nền chính trị châu Âu, bà Merkel được coi là nhân tố trung tâm và các chính sách của bà vẫn giữ được sự độc lập đối với nước Mỹ, vì thế bà nhận được sự ủng hộ rộng rãi của phần lớn các thành viên EU. 

Lo ngại sau khi bà Angela Merkel rút lui

Cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 là một thách thức mới đối với bà  Angela Merkel cũng như toàn thể châu Âu. Lần này, bà đã không nhận được sự đồng thuận vốn có. Trong năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận 140.000 người nhập cư, cao hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Nhưng mọi việc thay đổi từ đêm Giao thừa bước sang năm 2016. Chính nạn quấy rối và trộm cắp trong đêm Giao thừa đó mà thủ phạm là người nhập cư đã làm thay đổi cả dư luận Đức. 1,5 triệu cử tri Đức chuyển sang ủng hộ đảng cực hữu. Mất đi sự ủng hộ vào Chính phủ liên minh, năm 2018, bà Angela Merkel quyết định rút lui khỏi ghế Chủ tịch đảng, cho dù nhiệm kỳ của bà phải đến năm 2021 mới kết thúc.

Đối với toàn bộ châu Âu, sự rút lui của bà Angela Merkel là đáng lo ngại. Kể từ sau cuộc khủng hoảng người di cư, châu Âu đã chứng kiến sự trỗi dậy của những chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc, đe dọa sự thống nhất trong EU. Bà Merkel đã từ một người đứng đầu về thống nhất châu Âu trở thành người cuối cùng bảo vệ mạnh mẽ thành trì đó. “Chúng ta chỉ có thể giải quyết mọi thách thức thời đại nếu chúng ta đoàn kết và phối hợp cùng nhau, cùng với quốc gia khác”, Thủ tướng Đức từng nhấn mạnh.

Các học giả Trung Quốc cũng cho rằng sự ra đi của bà Merkel sẽ mang đến những bất ổn mới cho một Liên minh châu Âu vốn đã hướng nội và làm tăng thêm sự phức tạp cho Bắc Kinh khi họ cố gắng chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở Mỹ.

Kể từ khi nhậm chức năm 2005, bà Merkel đã tới thăm Trung Quốc 11 lần. Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Đức như một biện pháp để thúc đẩy mối quan hệ với Liên minh châu Âu. “Việc bà Merkel rời nhiệm sẽ đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc và Đức có thể tiếp tục mối quan hệ hợp tác chặt chẽ như hiện nay và liệu nước Đức có thể duy trì các chính sách của thời đại Merkel hay không”, Cui Hongjian, một nhà nghiên cứu về các vấn đề châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận định.

“Chúng ta chỉ có thể giải quyết mọi thách thức thời đại nếu chúng ta đoàn kết và phối hợp cùng nhau, cùng với quốc gia khác”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel