"Khóa" biên giới ngăn khủng bố IS

ANTD.VN - Quốc gia có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới là Indonesia đã phải tính tới việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xâm nhập “cắm rễ” phát triển.

Hiện trường một vụ tấn công khủng bố liều chết tại Thủ đô Jakarta của Indonesia

Phát biểu tại hội thảo chung về an ninh khu vực trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, nước này có thể đóng cửa các biên giới để ngăn chặn các tay súng từ tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria hiện đang ẩn náu tại miền Nam Philippines thâm nhập vào lãnh thổ Indonesia.

Ông Ryacudu nhấn mạnh: “Chúng tôi phải ngăn chặn và bảo vệ các biên giới của Indonesia. Chúng tôi có thể đóng cửa các biên giới để chắc chắn rằng những phiến quân không di chuyển tới các khu vực khác”. 

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Indonesia đưa ra quan điểm trên trong bối cảnh quốc gia láng giềng là Philippines đang mở chiến dịch quân sự quy mô để đánh bật các tay súng có liên hệ với tổ chức IS khỏi thành phố Marawi trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines. Việc các phần tử IS và các tay súng có liên hệ với IS đánh chiếm thành phố Marawi từ ngày 23-5 vừa qua cũng đánh dấu việc tổ chức khủng bố khét tiếng này lần đầu tiên chiếm giữ một thành phố có hàng trăm nghìn dân tại một quốc gia Đông Nam Á.

Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết, theo thông tin tình báo, hiện có khoảng 1.200 phần tử IS đang hoạt động ở Philippines. Ông Ryacudu đã ví các phiến quân IS này là những cỗ máy giết người và tỏ ý lo ngại khi ước tính, trong số 1.200 tay súng IS có mặt tại Philippines, có khoảng 40 phần tử đến từ Indonesia. 

Trong khi đó, Indonesia hiện là quốc gia có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất thế giới với hơn 200 triệu tín đồ, rất có thể trở thành “những mục tiêu hàng đầu” bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan của IS. Thực tế, tại Indonesia cũng đã xuất hiện những phần tử Hồi giáo cực đoan và chúng đã gây ra không ít các vụ tấn công khủng bố chấn động, trong đó đẫm máu nhất là vụ khủng bố tại Bali năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng. Mới đây nhất, các phần tử khủng bố nghi là IS đã tiến hành hai vụ tấn công liều chết liên tiếp ở Thủ đô Jakarta làm 3 cảnh sát thiệt mạng và 12 người khác bị thương.

Chính vì thế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, việc đóng cửa biên giới là một trong những cách thức hiệu quả nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố IS từ bên ngoài xâm nhập vào Indonesia để “cắm rễ” rồi phát triển như ở Trung Đông. Cùng với đó, ông Ryacudu đã kêu gọi các nước Đông Nam Á cùng bắt tay tìm ra các biện pháp toàn diện nhằm đối phó với nguy cơ từ IS. 

Quyết không để tổ chức khủng bố nguy hiểm như IS phát triển và hoành hành tại khu vực Đông Nam Á, bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng ba nước Malaysia, Indonesia và Philippines đã đạt được thỏa thuận tiến hành tuần tra chung trên biển bắt đầu từ ngày 19-6 tới trong vùng biển giáp ranh giữa ba nước, trong khi hoạt động tuần tra trên không sẽ diễn ra vào ngày 20-6.

Từ kinh nghiệm tuần tra chung chống cướp biển tại Eo biển Malacca, ba nước hy vọng tuần tra chung sẽ ngăn chặn điều mà các nhà phân tích an ninh hiện lo ngại là IS đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở đảo Mindanao để từ đó thực hiện toan tính thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á.