Khi các Nghị sĩ Uganda biến nghị trường thành "sàn đấu võ"

ANTD.VN - Hình ảnh về màn ẩu đả làm náo loạn Quốc hội của các Nghị sĩ Uganda liên tục trong 2 ngày 26 và 27-9 đã được lan truyền khắp truyền thông thế giới. 

Hình ảnh “xấu xí” của các Nghị sĩ Uganda

Cho dù mâu thuẫn, bất đồng quan điểm có thể đã lên đến đỉnh điểm nhưng rõ ràng việc các Nghị sĩ Quốc hội lao vào đánh nhau đã tạo nên một hình ảnh vô cùng “xấu xí”. 

Vụ việc khởi nguồn từ việc một nhóm Nghị sĩ đối lập phản đối việc đảng cầm quyền đề xuất dự luật nhằm hạn chế tuổi tác đối với Tổng thống, mở đường cho việc Tổng thống Uganda Yoweri Museveni, dù đã lên nắm quyền từ năm 1986, có thể tái tranh cử và tiếp tục tại vị cho đến cuối đời.

Hiến pháp Uganda quy định tuổi tối đa của Tổng thống là 75, nghĩa là, ông Yoweri Museveni, năm nay đã 73 tuổi, không thể tranh cử được nữa. Tuy nhiên, Đảng Phong trào Kháng chiến Quốc gia của ông Museveni đang vận động Quốc hội thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp.

Cũng bởi vậy, ngay khi dự luật này được đưa ra hôm 26-9, các Nghị sĩ đối lập và nhóm ủng hộ Tổng thống đương nhiệm của Uganda đã tranh cãi nảy lửa trước khi lao vào nhau đấm đá, túm tóc, giật quần áo của nhau. Hãng Reuters cho biết, Chủ tịch Hạ viện đã hạ lệnh bắt giữ 25 người phản đối, dẫn đến việc các Nghị sĩ có cùng quan điểm rời khỏi phòng họp. 

Đáng nói, các Nghị sĩ nói trên bị đưa đến các đồn cảnh sát khác nhau nhưng sau đó đã được thả ngay. Ngay trong hôm đó, Ủy ban Truyền thông Uganda yêu cầu các đài phát thanh và truyền hình ngừng phát sóng trực tiếp về các sự kiện vốn “quảng bá văn hóa bạo lực, có khả năng gây mất an ninh và bạo lực công cộng”.

Nhưng rồi cuộc chiến lại nổ ra khi các Nghị sĩ quay trở lại phòng họp vào hôm 27-9. Hai bên thậm chí sử dụng cả ghế và các vật dụng trong phòng họp để tấn công lẫn nhau, tạo nên cảnh hỗn loạn ở chốn nghị trường. Ít nhất 2 nữ Nghị sĩ được đưa ra ngoài vì choáng ngất. Hiện có Nghị sĩ còn đang nguy kịch do bị gãy xương sườn. Khi đó, các nhân viên an ninh nhanh chóng có mặt để can thiệp. Tuy vậy, cuối buổi chiều 27-9, dự luật này đã được thông qua.

Tổng thống Museveni không bình luận về sự việc nói trên nhưng chuyện này đã khiến dư luận Uganda bị phân cực, làm “dậy sóng” trên các phương tiện truyền thông xã hội. Phe đối lập buộc tội Tổng thống Museveni đang “chôn vùi” Quốc hội Uganda, người ủng hộ ông thì kêu gọi cần xử lý nghiêm để bảo vệ uy tín, sự thánh thiện và độc lập của Quốc hội. Vậy phản ứng của dân thường Uganda thì sao?

Nhiều cuộc biểu tình trên đường phố đã diễn ra nhằm chống lại dự luật này. Trang Allafrica.com cho hay, cư dân mạng bày tỏ rằng họ cảm thấy buồn, bất an và mất phương hướng trước tình hình đất nước. “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau”, người có tên Thomas Ssekaddu bình luận trên trang Facebook của báo điện tử Daily Monitor.

Theo Newsweek, Uganda đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế ổn định hàng chục năm qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Museveni và đã đón hơn 1 triệu người tị nạn từ vùng lân cận Nam Sudan, nơi mà cuộc nội chiến đang hoành hành. Tuy nhiên, ông Museveni đã bị cáo buộc đứng sau các vụ lạm quyền của lực lượng an ninh và trấn áp tự do ngôn luận, đặc biệt là xung quanh cuộc bầu cử năm 2016 khi các phương tiện truyền thông xã hội bị cấm tạm thời và ứng cử viên đối lập chính bị bắt nhiều lần.