Khan hiếm đất đai, Singapore tính xây nhà trên biển và không gian chung

ANTD.VN - Xây dựng thành phố nổi có sức chứa 50.000 cư dân và nới thêm tầng cho các tòa nhà cũ chỉ là một số ý tưởng giúp Singapore có thể khắc phục tình trạng thiếu đất hiện nay.

Theo Kế hoạch sử dụng đất của Singapore, vào năm 2030, quốc gia Đông Nam Á này cần thêm 5.600ha đất để phục vụ cho dân số dự kiến sẽ tăng lên từ 6,5 lên 6,9 triệu người. “Chúng tôi sử dụng mọi bề mặt có thể và mở rộng các lựa chọn của mình. Chúng tôi phải rà soát bất kỳ lựa chọn có sẵn và nắm bắt những cơ hội đó”, Giám đốc điều hành của Cục Phát triển kinh tế Singapore Chng Kai Fong nói.

Khan hiếm đất đai, Singapore tính xây nhà trên biển và không gian chung ảnh 1Nhóm chuyên gia của Nhật Bản cùng mô hình thành phố nổi dự kiến sẽ xây dựng tại Singapore

Nhiều thuận lợi để xây dựng thành phố nổi

Ông Shinichi Takiguchi - Giám đốc điều hành Tập đoàn xây dựng Shimizu của Nhật Bản đã đến Singapore nhiều lần và từ cửa sổ phòng khách sạn, tất cả những gì ông thấy là biển - nguồn tài nguyên dồi dào của quốc đảo này. Vị Giám đốc này đang tham gia vạch kế hoạch xây dựng một thành phố nổi tại Singapore và một số địa điểm tiềm năng đã được thảo luận. Họ chắc chắn rằng một ngày nào đó, thành phố có tên “Mảng nổi xanh” sẽ hiện lên trên cảnh biển nơi đây với những ngôi nhà ở trên chóp, văn phòng ở giữa, trang trại trồng rau ở phía dưới và những bãi biển xung quanh.

Ước tính, sẽ mất khoảng 10 năm để xây dựng một thành phố xanh với một tháp cao 1km cao nằm trên đảo tròn có đường kính 3km. Sau khi hoàn thành, công trình có độ bền khoảng 100 năm. “Giờ đã có công nghệ để hiện thực hóa điều đó. Không phải đợi đến thế hệ con cháu chúng ta mới làm được”, ông Takiguchi, thành viên của Shimizu nói. 

Trong suốt sự tồn tại của mình, Singapore đã lấn biển để tạo thêm đất, với cuộc khai hoang lớn đầu tiên vào năm 1822, trên bến cảng Boat Quay. Hiện tại, Tập đoàn Shimizu đưa ra một giải pháp mới, có tính cạnh tranh hơn. Và đặc biệt, “việc xây dựng thành phố nổi có chi phí chỉ tương đương khai khẩn đất hoang”, kiến trúc sư cao cấp và chỉ đạo dự án Masaki Takeuchi khẳng định.

Tại Viện Công nghệ Shimizu ở Tokyo, các nhà khoa học đã đạt được bước đột phá trong việc tạo ra loại bê tông phù hợp cho các cấu trúc trên biển và có thể áp dụng thực tế. Họ cũng đã dựng lên một cấu trúc thực nghiệm, nửa nổi trên mặt nước để áp dụng vào xây dựng dự án thành phố nổi trong tương lai. Điều quan trọng, vùng biển xích đạo yên bình của Singapore có thể là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để xây dựng một thành phố nổi. “Gió và các dòng nước xung quanh Singapore yếu hơn nhiều so với Nhật Bản. Vì vậy chúng tôi có thể yên tâm nói rằng an toàn sẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại”, ông Takeuchi nói. Thành phổ nổi cũng sử dụng năng lượng mặt trời để tăng tính thân thiện với môi trường, trong khi Singapore có ánh mặt trời quanh năm.

Ý tưởng từ tầng mái của London

Ngoài biển, Singapore còn tính đến mọi không gian có thể tận dụng trên không như xây dựng trên khoảng không của đường bộ, kênh rạch và các cấu trúc hiện có. Nhiều thành phố khan hiếm đất đai đã có sáng tạo riêng để vượt qua hạn chế đó và Singapore - quốc gia có diện tích chỉ 724km2, nhỏ thứ 20 trên thế giới và nhỏ thứ hai ở châu Á - có thể học hỏi từ kinh nghiệm của họ.

Tại London, Anh quốc, các kiến trúc sư đã đề xuất dựng một tòa nhà nổi trên sông Thames để các nghị sỹ nhóm họp trong thời gian cải tạo lại Tòa nhà Quốc hội. Trong khi đó, một ý tưởng để khắc phục tình trạng thiếu đất của thành phố đang được đưa vào thực hiện: Phát triển bất động sản trên tầng thượng.

Một trong những công ty chuyên về lĩnh vực này là Apex Airspace, với mục tiêu sẽ xây dựng khoảng 100 căn nhà mới trong năm nay bằng cách nới thêm một tầng trên các tòa nhà đủ điều kiện. Nghiên cứu của công ty chỉ ra rằng, tại London có thể xây dựng 180.000 căn hộ như vậy, trong khi nhu cầu cần thêm 66.000 ngôi nhà mới mỗi năm.

Khó khăn đầu tiên là vấn đề về quyền sở hữu không gian phía trên các tòa nhà khi nới thêm tầng trên mái. Ông Arshad Bhatti, Giám đốc điều hành Apex, người thành lập công ty vào năm 2015 đã bị các ngân hàng thẳng thừng từ chối cho vay khi đề xuất các dự án này. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì và biến ý tưởng của mình thành hiện thực. “Chúng tôi đã chứng minh rằng các không gian này có thể được sử dụng cho một mục đích có giá trị. Với tiềm năng là không gian trên các tầng mái khắp London, đây sẽ là lời giải cho bài toán thiếu đất đai”.

Mỗi căn hộ được sản xuất sẵn trong các nhà máy, sau đó được vận chuyển đến để lắp ráp trong vòng 1 ngày mà không gây xáo trộn lớn đối với cư dân. “Chúng tôi có công nghệ mới để không chỉ có không gian sống mới rất an toàn mà còn đảm bảo tính toàn vẹn trong cấu trúc của các tòa nhà hiện có”, ông Bhatti nói. Apex hiện đã nhận được nhiều đơn hàng từ các thành phố khác ở Vương quốc Anh, cũng như từ New Zealand và Abu Dhabi. 

Tại Singapore, một nghiên cứu đề xuất thêm tầng cho các ngôi nhà được sử dụng làm cửa hàng. “Công nghệ hiện đã cho phép điều này. Đất đai của chúng tôi rất khan hiếm, cho nên thêm 3-4 tầng không vấn đề gì”, Giáo sư về xây dựng dân dụng tại Đại học Quốc gia Singapore Yong Kwet Yew nói. Tuy vậy, ông cũng lưu ý việc xây dựng trên các cấu trúc hiện có ngoài vấn đề chính sách thì cũng cần sự chấp nhận của xã hội.

Ngoài biển, Singapore còn tính đến mọi không gian có thể tận dụng trên không như xây dựng trên khoảng không của đường bộ, kênh rạch và các cấu trúc hiện có. Nhiều thành phố khan hiếm đất đai đã có sáng tạo riêng để vượt qua hạn chế đó và Singapore - quốc gia có diện tích chỉ 724km2, nhỏ thứ 20 trên thế giới và nhỏ thứ hai ở châu Á - có thể học hỏi từ kinh nghiệm của họ.