Kết cục bi đát của những đứa trẻ bị bỏ rơi ở nông thôn Trung Quốc

ANTĐ - Bijie, một vùng nông thôn nghèo ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, đang phải chứng kiến nhiều vụ trẻ em chết rất đau lòng. Đó là những đứa trẻ bị chính bố, mẹ bỏ lại nông thôn để ra thành phố kiếm sống. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, những gì đang diễn ra phản ánh sự chuyển dịch “đáng lo ngại” trong xã hội Trung Quốc

Kết cục bi đát của những đứa trẻ bị bỏ rơi ở nông thôn Trung Quốc ảnh 1

Những đứa trẻ bị cha mẹ để lại ở nông thôn Trung Quốc đang phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống


 Những điều trông thấy mà đau đớn lòng 

Gần đây, 4 đứa trẻ là anh chị em ruột tuổi từ 5 đến 13 ở Bijie đã tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. Trong một thời gian dài, các em phải tự lo cho bản thân vì cha làm việc tại thành phố quanh năm trong khi mẹ đã bỏ nhà đi. Ba năm trước đây, một nhóm trẻ em chết do ngộ độc carbon monoxide từ đám cháy mà các em đốt cạnh thùng rác để sưởi ấm.

Các nạn nhân là 5 bé trai, tuổi từ 9 đến 13. Vào tháng 12-2013, 5 trẻ em ở Bijie thiệt mạng vì bị xe cán trên đường đi học về. Vài tháng sau đó, thông tin về hàng chục nữ sinh tiểu học bị giáo viên hãm hiếp gây rúng động Bijie. Nạn nhân trong những sự nêu trên đều là trẻ em bị cha mẹ bỏ lại nông thôn để đến các thành phố lớn kiếm việc làm.

Gần đây, một giáo viên tiểu học ở Bijie đã chia sẻ trên diễn đàn mạng về những gì mà cô chứng kiến mỗi lần lên lớp. “Tôi dạy ở vùng nông thôn và nhiều học sinh của tôi là con của người mẹ đơn thân. Ba chị em gái, tất cả đều đang học tiểu học đã phải bươn trải cuộc sống sớm vì mẹ đi làm xa. Các em sống rất xa trường học. Mỗi ngày lên lớp, nhìn các em bơ phờ và mệt mỏi. Khi tôi hỏi thăm, các em không nói gì, chỉ gục đầu xuống bàn.

Sau đó, tôi biết rằng, các em đã phải đi quãng đường rất xa để về nhà ăn trưa. Có hôm, không có gì ăn, các em đến trường với dạ dày trống rỗng. Nhiều học sinh trong trường học cũng có hoàn cảnh tương tự. Đó là những đứa trẻ im lặng, nuốt nước mắt vào trong lòng. Cuộc sống của các em đầy rẫy sự đau đớn và oán giận. Các em luôn khát khao được đoàn tụ với gia đình nhưng đó là giấc mơ rất xa vời”, cô giáo viết. 

Hiện tượng “đáng lo ngại” ở Trung Quốc 

Sau sự cố khiến 5 đứa trẻ chết ngạt 3 năm trước, lãnh đạo ở Bijie đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra trên quy mô lớn về tình hình trẻ em bị bố mẹ bỏ lại vùng nông thôn. Các nhà chức trách hy vọng, thông qua quá trình điều tra sẽ tìm ra được giải pháp hữu hiệu cho công tác quản lý.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, không có giải pháp nào mang lại hiệu quả tích cực. Một báo cáo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc công bố cho thấy, trong năm 2013, trên toàn lãnh thổ Trung Quốc có hơn 60 triệu người chưa thành niên bị cha mẹ để lại các vùng nông thôn, 35,8 triệu trẻ em di cư cùng với cha mẹ đến các thành phố lớn tìm kiếm việc làm. Tất cả đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. 

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng đáng lo ngại này, nhiều nhà khoa học cho rằng, đó là do sự phân bố không đồng đều về sức mạnh nguồn lực; cấu trúc đô thị - nông thôn của quốc gia bị “biến dạng”. Hầu hết các nguồn lực, cơ hội việc làm, phát triển đều tập trung ở thành phố lớn. Các thành phố trung bình đang trở nên khan hiếm, trong khi đó, các thành phố nhỏ phát triển chậm hoặc không thể phát triển.

 Xu hướng phát triển đô thị ở Trung Quốc không cân bằng và không hợp lý. Phần lớn các khu đô thị phát triển nằm dọc theo bờ biển và tại mỗi tỉnh, đô thị phát triển chủ yếu ở khu vực xung quanh trung tâm chính trị của tỉnh lỵ. Trong khi đó, các vùng xa trung tâm gần như “bị lãng quên” hoàn toàn. 

Vài năm trước đây, nhà xã hội học người Mỹ Ching-Kun Yang đã chỉ ra rằng, sự phát triển mất cân bằng của các thành phố lớn cản trở công cuộc hiện đại hóa chung của Trung Quốc. Các thành phố lớn ở Trung Quốc gần như trở thành nơi trưng bày các thương hiệu thời trang của đối tác đến từ các quốc gia tư bản, trong khi các vùng nông thôn vẫn còn “nguyên thủy”.

Kết quả là, các chuỗi sinh thái xã hội ở nông thôn đã bị phá vỡ. Mô hình gia đình 4 thế hệ, tất cả cùng sống và làm việc cùng nhau giờ chỉ là ước mơ. Giờ đây, dường như tất cả những người đàn ông, phụ nữ ở nông thôn đã “biến mất”. Những ngôi nhà ở nông thôn chỉ còn lại người già, trẻ em, người bệnh, người tàn tật. Nhiều người thậm chí còn đưa ra nhận định rằng, các làng ở nông thôn Trung Quốc đang “héo đi”.