“Kẻ sát nhân giấu mặt“

ANTĐ - Thật bất ngờ khi virus Tây sông Nile, được mệnh danh là “kẻ sát nhân giấu mặt”, lại bùng phát và hoành hành dữ dội tại quốc gia giàu có và phát triển bậc nhất thế giới là Mỹ, khiến 66 người thiệt mạng.

“Kẻ sát nhân giấu mặt“  ảnh 1
Muỗi được xem là tác nhân truyền bệnh chủ yếu của virus Tây sông Nile

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 29-8 đã lên tiếng báo động về mối nguy hiểm của virus Tây sông Nile với người dân và giới chức nước này khi đã có ít nhất  1.590 người nhiễm thứ virus chết người này và 66 người đã tử vong chỉ trong 8 tháng đầu năm nay. Đây là con số tử vong cao nhất tính đến thời điểm này kể từ khi loại virus lan truyền do muỗi đốt lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ năm 1999.

CDC cho biết hiện dịch bệnh do virus Tây sông Nile gây ra đã xuất hiện tại 48 trên tổng số 52 bang của nước Mỹ. Trong đó nặng nhất là bang Texas, chiếm 45% tổng số ca nhiễm của Mỹ với 537 người mắc bệnh và 31 người tử vong, khiến giới chức bang này phải huy động cả máy bay để phun thuốc diệt muỗi, vật trung gian truyền virus từ các loài chim sang người.

Với số lượng người bị nhiễm ở thời điểm này cao hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm, Giám đốc CDC - Tiến sỹ Lyle Petersen cảnh báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, virus Tây sông Nile có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn tại nước này. Tính từ năm 1999 tới nay đã có hơn 30 nghìn ca nhiễm tại Mỹ, trong năm 2002-2003 là 2 năm dịch lây lan nghiêm trọng nhất với gần 14.000 ca nhiễm bệnh và 264 người tử vong.

Việc virus Tây sông Nile bùng phát tại Mỹ khiến không ít người ngạc nhiên trước thứ bệnh dịch truyền nhiễm tưởng chỉ có tại nước nghèo lại hoành hành ở một quốc gia giàu có và phát triển bậc nhất thế giới. Song với cơ chế lây nhiễm và phương thuốc chữa trị chưa hiệu quả nên “nhà giàu” như Mỹ cũng phải “khóc” với căn bệnh do virus Tây sông Nile gây ra.

Virus Tây sông Nile cùng bệnh dịch do nó gây ra lần đầu tiên được y học hiện đại phát hiện vào năm 1937 tại quốc gia châu Phi Uganda. Bệnh dịch lây lan do bị muỗi đốt với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó thở, chóng mặt, ngứa ngáy, nôn mửa... và sau đó là tử vong.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong giới khoa học cho rằng virus Tây sông Nile có “tuổi thọ” tới cả nghìn năm nay khi lây nhiễm bệnh cho các con ngựa của Ai Cập, do vậy loại virus này được gọi là virus Tây sông Nile. Nó cũng được xem là nguyên nhân gây ra cái chết bí ẩn cho Alexander Đại đế, thiên tài quân sự và là vị tổng tư lệnh quân đội lỗi lạc trong lịch sử nhân loại, khi mới 33 tuổi (năm 356 TCN-323 TCN).

Còn theo giới y học hiện nay thì sau bị lây nhiễm, virus Tây sông Nile sẽ làm sưng não và tổn hại tủy sống của bệnh nhân, hủy hoại hoàn toàn hệ thần kinh khiến người bệnh tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Hiện vẫn chưa có loại thuốc hay vaccine nào chữa trị và phòng ngừa có hiệu quả đối với loại bệnh này, mà phương pháp điều trị vẫn chỉ là cho bệnh nhân nhập viện, truyền dịch, hỗ trợ hô hấp và phòng ngừa các nhiễm trùng thứ cấp.

Điều nguy hiểm là có khoảng 80% số trường hợp nhiễm bệnh không bộc lộ các triệu chứng trong khi bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được điều trị sớm. Bởi thế, các nhà khoa học gọi virus Tây sông Nile là “kẻ sát nhân giấu mặt”.