Kẻ cướp giữa tầng không
(ANTĐ) - Vụ D.B Cooper cướp chiếc máy bay Boeing 727 năm 1971 tại Mỹ đã khiến cho các nhà điều tra đau đầu suốt ba thập kỷ qua. Khống chế phi hành đoàn, dọa nổ tung quả bom mang theo, bắt máy bay quay lại sân bay, nhận 200.000 USD (một khoản tiền khổng lồ theo thời giá năm 1971), nhảy dù khỏi máy bay với túi đựng tiền đeo ở lưng. Nhưng cho đến nay chưa có một giả thiết nào được chứng thực và thậm chí cái tên của hắn cũng là một cái tên giả.
Tên không tặc lạnh lùng
Chân dung D.B Cooper trong hồ sơ cảnh sát |
Cảnh phim tái hiện vụ không tặc |
Một buổi chiều lạnh giá trước Lễ Tạ ơn năm 1971, một người đàn ông trong trang phục của thương gia bình thường bước đến quầy vé của hãng hàng không Northwest Orient ở sân bay Portland và mua vé đi một chiều đến Seattle. Người đàn ông này khai tên là Dan Cooper, 45 tuổi. Chiếc máy bay mà Cooper sẽ đáp có 94 ghế nhưng hôm đó chỉ có 37 hành khách và các thành viên phi hành đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng mọi chi tiết an ninh để sẵn sàng cất cánh.
Không ai trong phi hành đoàn chú ý đến Dan Cooper, một người đàn ông cao khoảng 1,8m và ăn mặc giống theo mốt của thập niên 70 với sơ mi trắng và cà vạt, tay cầm cặp xách và áo khoác ngoài. Tên không tặc này được mô tả là có mái tóc và đôi mắt nâu với giọng nói không rõ âm sắc của vùng nào.
Sau khi máy bay cất cánh, Cooper đưa cho nữ tiếp viên một lá thư. Thường thì nhiều đàn ông đi một mình hay đưa cho những nữ tiếp viên hấp dẫn số điện thoại hay số phòng khách sạn nên cô tiếp viên kia cũng chỉ hờ hững nhận lấy và cho vào túi áo. Cô này đi hết dãy ghế rồi quay lại, khi đi ngang qua Cooper, liền bị hắn kéo lại và nói thầm vào tai: “Cô nên đọc tờ giấy. Tôi có đem theo bom”. Vừa nói hắn vừa vỗ tay vào cái cặp xách của mình. Chiếc cặp đã được mở và bên trong là hai khối tròn có gắn các dây điện cùng kíp nổ. Rõ ràng đó là hai quả bom. Tất cả các hành động đe dọa đều được Cooper thực hiện một cách bình tĩnh. Thậm chí hắn còn đòi được ăn một bữa nhẹ.
Nữ tiếp viên này vội chạy đến khoang lái và thông báo cho cơ trưởng. Ngay lập tức cơ trưởng thông báo cho đài kiểm soát không lưu và cảnh sát của liên bang. Cảnh sát vội thông báo cho chủ tịch của Northwest Orient, người ngay lập tức ra lệnh cho cơ trưởng cùng phi hành đoàn phải tuân theo đòi hỏi của Cooper. Rõ ràng số tiền 200.000 USD mà Cooper đòi trong thư không đáng là bao so với uy tín kinh doanh của hãng hàng không tư nhân đang ăn nên làm ra này.
Kế hoạch tỉ mỉ
Theo đòi hỏi trong thư, Cooper muốn có số tiền bằng tờ 20 USD, hai balô cùng hai bộ dù. Hắn muốn mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng tại sân bay Sea-Tac và được một quan chức cao cấp của hãng hàng không đích thân đưa lên máy bay. Tên không tặc đe dọa nếu phát hiện bất kỳ hành động khả nghi nào, hắn sẽ cho nổ tung chiếc máy bay. Cuối thư là dòng chữ viết hoa “Đây không phải là trò đùa”.
Cơ trưởng vội thông báo qua hệ thống loa trên máy bay là do gặp vấn đề kỹ thuật, chiếc máy bay sẽ bay nhiều vòng trước khi đáp xuống sân bay trung chuyển. Đó là thời gian cần có để bộ phận mặt đất chuẩn bị cho các yêu sách của Cooper. Tên không tặc đã tính toán tỉ mỉ. Khối lượng của 10.000 tờ 20 USD sẽ là 10,5 kg. Với khối lượng nhỏ hơn, cú nhảy của hắn sẽ không an toàn trong khi khối lượng lớn hơn nếu trả bằng tờ bạc có mệnh giá nhỏ hơn sẽ mất nhiều thời gian. Cooper cũng đòi các tờ bạc chuyển cho hắn phải mang số seri bất kỳ và không được liên tiếp nhau. Cảnh sát Mỹ lúc đó đã phải chụp ảnh tất cả các số seri những tờ giấy bạc để sau này có cơ sở truy tìm thủ phạm.
Ngoài ra, Cooper đòi phải có hai bộ dù nhảy dân sự mà người nhảy có thể kiểm soát thời điểm bung dù. Việc hắn đòi có hai bộ cũng làm nhà chức trách đau đầu bởi lo ngại rằng hắn có thể bắt theo một người nhảy cùng làm con tin. Ngoài ra với việc đòi hai bộ dù, hắn sẽ buộc nhà chức trách phải cung cấp bộ dù an toàn vì lo ngại cho tính mạng con tin. Quả là một kế hoạch chu đáo.
(Còn nữa)
Hà Nam
(Theo Tạp chí Tội phạm Mỹ)