Kaspersky Lab: Nấc leo thang mới khiến quan hệ Mỹ-Nga căng thẳng

ANTD.VN - Truyền thông Mỹ ngày 5-10 dẫn các nguồn tin cho biết tin tặc Nga đã đánh cắp thông tin về chiến lược phòng thủ mạng của Mỹ từ máy tính của một nhân viên hợp đồng thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thông qua phần mềm Kaspersky.

Kaspersky Lab: Nấc leo thang mới khiến quan hệ Mỹ-Nga căng thẳng ảnh 1Một văn phòng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA)

Theo tờ Wall Street Journal, các tin tặc làm việc cho Chính phủ Nga đã tiếp cận những tài liệu tuyệt mật khi máy tính của nhân viên nói trên sử dụng phần mềm chống virus được sản xuất bởi Công ty Kaspersky Lab của Nga. Các chuyên gia Mỹ cho hay, vụ việc này xảy ra vào năm 2015 nhưng đến đầu 2016 mới được phát hiện. 

Mặc dù, chương trình Kaspersky bị cáo buộc là đối tượng của vụ đánh cắp thông tin nhưng chưa rõ công ty sản xuất phần mềm có thực sự tham gia vào vụ tấn công này hay không. Các phần mềm diệt virus thường gửi dữ liệu tới các máy chủ trung tâm và đối với Kaspersky, máy chủ được đặt tại Nga. Dữ liệu này được mã hoá bằng SSL, nhưng nếu giải mã được, tin tặc có thể tiến hành tấn công mà Kaspersky hay người dùng đều không biết. 

Không phải đến hôm nay, giới chức Mỹ mới e ngại chương trình phần mềm của Kaspersky Lab. Từ giữa tháng 7-2017, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã loại Kaspersky khỏi hai danh sách nhà cung cấp phần mềm an ninh mạng mà các cơ quan Chính phủ nước này có thể sử dụng. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông Mỹ loan tin Kaspersky Lab có quan hệ với các cơ quan tình báo Nga.

Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke đã chỉ thị cho tất cả các văn phòng của Chính phủ phải gỡ bỏ hoặc thay thế bất cứ phần mềm chống tin tặc nào của Công ty Kaspersky trong vòng 90 ngày. Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đã đề nghị cấm Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng các chương trình của Kaspersky Lab. 

Những quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Kaspersky chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cái cốt lõi của vấn đề vẫn là cuộc đối đầu dai dẳng giữa hai cường quốc trong thời đại kỹ thuật số. Cáo buộc tấn công mạng nảy sinh trong bối cảnh Mỹ và Nga đang gia tăng căng thẳng xung quanh cáo buộc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Mặc dù, Tổng thống Mỹ D.Trump đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ sự cấu kết nào của ông với Nga và mô tả cuộc điều tra này là vụ “bới lông tìm vết” nhằm loại trừ đối thủ chính trị, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đều kết luận rằng Chính phủ Nga đứng đằng sau vụ tin tặc năm 2016 và cố ý tiết lộ các tài liệu thông qua trang mạng WikiLeaks để khuynh đảo cuộc bầu cử. 

Giới chức Mỹ cho rằng vụ Kaspersky là một nấc thang mới trong chiến lược của Nga sau vụ Edward Snowden, một nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã sao chép và làm rò rỉ nhiều thông tin mật liên quan tới các chương trình do thám toàn cầu của cơ quan này. Chính quyền Mỹ buộc tội và ra lệnh bắt giữ Snowden, song ông này đã sang Matxcova xin tị nạn và đang được hưởng quy chế tạm trú tại Nga. Mỹ từng lo ngại đây sẽ là nguồn tiết lộ “thông tin mật” dồi dào cho chính quyền Matxcơva.

Kapersky Lab hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin từ truyền thông Mỹ, tuy nhiên, công ty phần mềm có tuổi đời hơn 20 năm và được hơn 400 triệu người tiêu dùng tin tưởng này luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến các hoạt động gián điệp mạng. “Là một công ty tư nhân, Kaspersky Lab không có bất kỳ quan hệ nào với các chính phủ, kể cả nước Nga”, lãnh đạo Công ty Kaspersky Lab, ông Evgeny Kaspersky khẳng định.

Ông Evgeny cho biết đã chấp nhận lời mời ra điều trần trước Ủy ban Khoa học, không gian và công nghệ của Hạ viện Mỹ, coi đây là cơ hội để công khai trả lời về các cáo buộc liên quan đến công ty và sản phẩm của  Kaspersky Lab. Ông Evgeny cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan chính quyền Mỹ mã ban đầu của các chương trình do Công ty Kaspersky phát triển để loại bỏ mọi nghi ngờ.  

Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke vẫn bày tỏ quan ngại rằng các cơ quan tình báo Nga có thể dựa vào pháp luật để yêu cầu hoặc ép buộc sự hỗ trợ từ Kaspersky Lab. Bà Duke tuyên bố: “Bộ An ninh Nội địa quan ngại về mối quan hệ giữa một số quan chức Kaspersky với tình báo Nga và các cơ quan Chính phủ khác”.