Jordan xây kênh đào tỷ đô

ANTD.VN - Jordan ngày 28-11 công bố đã chọn được 5 tập đoàn quốc tế để xây dựng dự án kênh đào nối liền giữa Biển Đỏ và Biển Chết giai đoạn I. Dự án đầy tham vọng trị giá 1,1 tỷ USD này đã được ấp ủ trong hơn một thập kỷ qua, nhằm mục đích cung cấp lượng nước cần thiết cho Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine.

Jordan xây kênh đào tỷ đô  ảnh 1

Dự án xây dựng con kênh đào đầu tiên nối Biển Đỏ với Biển Chết

Kênh đào nối hai biển

Trong năm 2005, Jordan,Israel và  Palestine đã ký một thỏa thuận để  bắt  đầu các nghiên cứu về dự án xây dựng kênh đào nối giữa Biển Đỏ và Biển  Chết  -  còn được gọi là “Kênh đào hai biển”. Việc xây dựng con kênh trở nên khả thi hơn khi năm 2013, 3 nước ký một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước.

Theo  Bộ  Nguồn nước  và Thủy lợi Jordan, 5 tập đoàn đã được chọn ra từ 20 hãng dự thầu của châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Giai đoạn  đầu của dự  án bao gồm xây dựng một hệ thống dẫn nước để đưa 300 triệu m3 nước biển từ Biển Đỏ  tới Biển Chết. Ngoài ra, Jordan cũng sẽ xem xét xây dựng một nhà máy xử lý nước biển có công  suất 65-85  triệu m3 mỗi năm nhằm cung cấp nước  ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp. 

Nước là một nguồn tài nguyên quý hiếm ở Jordan, nơi có tới  92% lãnh thổ  là sa mạc. Đất  nước Trung Đông  này có khoảng 7 triệu người và dân số đang tăng trưởng nhanh, trong khi phải đối mặt với  làn sóng người tị nạn từ Syria. Tương tự kênh đào nối Biển Đỏ và Biển Chết là nhiều dự án đã được đề xuất  trước đó như: Kênh đào nối Địa Trung Hải và Biển Chết được  Israel đề xuất vào những năm 1980, nhưng đề xuất này bị loại bỏ vì chi phí đầu tư quá cao; dự  án kênh nối  từ Địa Trung  Hải  tới  Biển  Chết thông qua thành phố Beit Shean (Israel) và Thung lũng Jordan. 

“Cứu” Biển Chết đang “hấp hối”

Biển Chết hay còn  gọi  là Biển Muối nằm  ở biên giới  Israel và Jordan. Tên gọi của nó bắt nguồn từ hiện tượng  nước trong khu vực này có hàm lượng muối  cực cao (gấp gần 10 lần độ mặn của các  đại dương) khiến  cả động vật và thực vật không thể sống được trong đó. Việc giám sát mực  nước  biển hiện do Viện  Địa chất Israel phụ trách. Cơ  quan này  đã sử dụng một  phao nghiên cứu nhỏ, trôi nổi ở  giữa biển để  đo độ  âu.

Qua đó xác định  lượng nước trong  Biển Chết đang giảm đi với tốc độ hơn 1 mét mỗi năm và diện tích bề mặt cũng thu hẹp khoảng 30% trong 20 năm qua. Sự suy giảm này được cho là do sự  mất  cân bằng giữa lượng nước đổ vào và chảy ra khỏi biển. Cụ thể, Biển Chết bị thất thoát  nước nhiều  hơn  lượng nước nhận được do sự bù đắp tại sông Jordan.

Quá trình thu hẹp của Biển Chết bắt đầu từ những năm 1960 khi Israel, Jordan và Syria bắt đầu chặn dòng nguồn nước  từ sông Jordan bằng các đập thủy lợi để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng, cũng như sinh hoạt của con người.

Tình trạng suy giảm lượng nước của Biển Chết được cho  là tạo ra các vấn đề môi trường, như xuất  hiện  hố sụt  lún  trên các công trình kiến trúc, đường bộvà đồn điền; tạo ra những đồng bằng  bùn; gây ảnh hưởng tới môi trường, hệ thực vật và động vật  của  khu  vực. Một  nghiên cứu của Ngân hàng Thế  giới ước tính, cần khoảng 31 tỷ USD để  loại bỏ  các vấn đề môi trường liên quan tới sự suy giảm mực nước biển này. Một  số giải pháp  để  xử lý các vấn đề của sông Jordan và

Biển Chết cũng được được nêu ra, trong đó có việc  thay đổi dòng chảy của con sông này và điều chỉnh chính sách về nguồn nước của vùng lưu vực sông Jordan. Tuy nhiên, trước mắt, liên  quan tới việc xây dựng kênh đào nối Biển Đỏ và Biển Chết, một  số tổ chức môi trường cảnh báo rằng, dự án có thể  làm suy yếu hệ sinh thái mong manh của Biển Chết.