Indonesia tìm cách ngăn chặn tình trạng sử dụng trẻ em đánh bom liều chết

ANTD.VN -Trong bối cảnh ngày càng nhiều trẻ em bị lôi kéo tham gia những vụ đánh bom liều chết như trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu gần đây ở tỉnh Đông Java, Cơ quan bảo vệ nạn nhân và nhân chứng quốc gia Indonesia (LPSK) cũng như Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia (KPAI) cam kết sẽ nỗ lực hết sức bảo vệ sự an toàn của trẻ mồ côi để có thể ngăn chặn việc các em bị các đối tượng khủng bố lôi kéo.

Các cơ quan này lo ngại những em nhỏ trong độ tuổi từ 8-15 có thể bị lôi kéo tham gia mạng lưới khủng bố. Thống kê cho thấy hiện có ít nhất 500 người Indonesia cùng con cái đã trở về từ Syria, nơi một số đối tượng trong số này đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Trong khi nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả của chương trình cải tạo, giáo dục số đối tượng từ Syria trở về thì số đối tượng này vẫn chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ. 

Gia đình Puji Kuswati và chồng Dita Oepriarto cùng các con nhỏ đã tấn công liều chết vào nhà thờ Công giáo

Trong những ngày qua, cả đất nước Indonesia đã bàng hoàng trước loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào cảnh sát cũng như dân thường, trong đó nhiều trẻ em đã bị lôi kéo vào những vụ đánh bom liều chết - vốn thường được biết đến ở Trung Đông, Bắc Phi.

Các báo cáo cho thấy có 2 bé gái 9 và 12 tuổi, cùng 2 người anh trai 16 và 18 tuổi đã bị chính cha mẹ lôi kéo vào các vụ đánh bom nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java hôm 13-5, trong đó 2 bé gái đã thiệt mạng.

Trong khi đó, vụ đánh bom ở đồn cảnh sát tại thành phố này hôm 14-5 cũng do một gia đình thực hiện, trong đó có một bé gái mới lên 8 tuổi, tuy nhiên may mắn là bé gái đã sống sót trong khi mẹ và anh trai cô đã thiệt mạng. Đáng chú ý, các gia đình tham gia những cuộc tấn công mới nhất tại Indonesia có thể được lấy ý tưởng từ phương pháp sử dụng trẻ em của IS.

Trên khắp Indonesia, các tôn giáo thiểu số, bao gồm người Hồi giáo Shia và Ahmadiyah, một số nhóm Kitô giáo, và các tôn giáo địa phương, đã trở thành mục tiêu quấy rối, đe dọa và ngày càng bạo lực. Viện Setara, theo dõi tự do tôn giáo ở Indonesia, đã ghi nhận hàng trăm vụ tấn công bạo lực chống lại các dân tộc thiểu số trong thập kỷ qua.

Chính quyền Indonesia nên đảm bảo rằng sự trợ giúp luôn sẵn sàng đến với nạn nhân của các cuộc tấn công vào nhà thờ và gia đình của họ. Chính quyền cũng nên hỗ trợ các trẻ em còn sống sót sau khi bị những kẻ tấn công sử dụng và điều tra các trường hợp tham gia của họ để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Khi giải quyết những sự cố này, cũng như các vấn đề về dự luật chống khủng bố của chính phủ đang chờ xử lý, chính quyền Indonesia nên tôn trọng các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của người dân.

Andreas Harsono, một chuyên gia nghiên cứu về Indonesia cho rằng: “Đây là lần đầu tiên ở Indonesia, những kẻ đánh bom tự sát đã sử dụng trẻ em trong các cuộc tấn công. Và như vậy là không thể ngăn cản và hết sức tàn nhẫn”.