Hy vọng mới cho hòa bình ở Yemen

ANTĐ - Sau rất nhiều trở ngại và khó khăn, các phe phái đối địch tại Yemen ngày 21-4 đã bắt đầu vòng đàm phán hòa bình mới được Liên hợp quốc bảo trợ. Sự kiện đáng chú ý này đang làm dấy lên những tia hy vọng mới cho hòa bình ở Yemen sau hơn một năm quốc gia Tây Nam Á này phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.

Hy vọng mới cho hòa bình ở Yemen ảnh 1Các cuộc xung đột đẫm máu đã khiến nhiều nơi ở Yemen trở nên hoang tàn

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc đàm phán hòa bình, đại diện Liên hợp quốc, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed nêu rõ: Vòng đàm phán lần này được tổ chức dựa trên Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là kết quả của các cuộc đàm phán trước tại Geneva. Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an kêu gọi phiến quân Houthi trao trả quyền lực cho chính quyền Yemen được quốc tế công nhận, giải trừ quân bị và rút khỏi các thành phố mà lực lượng nổi dậy này đang chiếm đóng, để đất nước Yemen có thể khôi phục hòa bình và khởi động tiến trình chính trị. 

Nhận định về vòng hòa đàm lần này, nhiều nhà quan sát cho rằng đây là cơ hội lớn nhất từ trước tới nay để Yemen tái thiết hòa bình, sau khi các bên đều không thể đạt được mục đích của mình bằng vũ lực. Giáo sư Fuad Alsalahi, một chuyên gia về chính trị xã hội, hiện đang làm việc tại Đại học Sanaa cho rằng các cuộc đàm phán tại Kuwait là hết sức quan trọng đối với cả Yemen và Saudi Arabia - quốc gia đang dẫn đầu các cuộc không kích của liên quân ở Yemen, nhất là trong bối cảnh các giải pháp chính trị và quân sự đều thất bại.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Yemen đang tiến sát tới bờ vực sụp đổ. Trong khi đó, Saudi Arabia không thể ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Yemen. Nói cách khác, Saudi Arabia đã nhận một việc quá sức họ. Vì những lý do đó, Saudi Arabia buộc phải ủng hộ tiến trình đối thoại giữa các lực lượng tại Yemen”.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Truyền thông tương lai, ông Abubakar Abdullah cho rằng tình hình hiện đã có nhiều thay đổi, nhất là đối với Saudi Arabia. Theo ông Abubakar Abdullah, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm cách chấm dứt những cuộc tấn công của Saudi Arabia, vốn bị nhiều người chỉ trích là chỉ gây ra những thảm họa nhân đạo trầm trọng và tạo ra nhiều lỗ hổng lớn để nhiều tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bành trướng ảnh hưởng.

Ông Abubakar Abdullah cho biết: “Trong nội dung các cuộc đàm phán, theo thông tin được tiết lộ từ phía phong trào Ansarullah (tức lực lượng phiến quân Houthi) và Đảng Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GPC) thì dường như những trở ngại từ phía Riyadh đối với tiến trình hòa bình dường như đã không còn. Và đây là dấu hiệu cho thấy Yemen sẽ có thể tiến tới một giải pháp hòa bình”. 

Mặc dù vậy, một số chuyên gia về tình hình Yemen cho rằng giao tranh vẫn tiếp diễn ở quốc gia Tây Nam Á này là bằng chứng cho thấy có những thành phần tại Yemen không hề muốn tìm kiếm hòa bình. Đụng độ giữa lực lượng ủng hộ chính quyền và phiến quân Houthi vẫn liên tục diễn ra bất chấp lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ tuần trước. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã ngừng chiến dịch không kích ở Yemen để đảm bảo cho cuộc đàm phán được diễn ra.

Các chuyên gia này cho rằng liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu và những người ủng hộ ở phương Tây đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ các giải pháp hòa bình. Giới quan sát cho rằng đàm phán là cách tốt hơn để giữ thể diện, bởi họ sẽ mất mặt hơn khi bị thua trận và hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng. Theo chuyên gia phân tích chính trị Ahmed Al-Jabr: “Không ai có thể phủ nhận thực tế đang có các thế lực bên ngoài can thiệp vào cuộc chiến tại Yemen, bởi nhiều lực lượng tại đây rõ ràng chỉ là những lực lượng mà các cường quốc trong khu vực giật dây.

Bởi vậy, tiến trình hòa bình thực sự tại nước này chỉ có thể được đảm bảo nếu các nhân tố trong khu vực đàm phán và đối thoại để thấu hiểu lẫn nhau.” Trong khi đó, Giáo sư Alsalahi cho rằng Liên hợp quốc nên gây thêm áp lực đối với các lực lượng tại Yemen để họ nhanh chóng đạt được thỏa thuận chính trị. Nếu không thể tìm kiếm giải pháp chính trị vào lúc này, Yemen sẽ chìm trong một cuộc nội chiến kéo dài”. 

 Ngoài việc phải đối mặt với viễn cảnh bùng phát một cuộc nội chiến tồi tệ nếu vòng đàm phán lần này thất bại, Yemen còn đang phải đối mặt với nguy cơ phải hứng chịu những vụ khủng bố đẫm máu và mối đe dọa từ lực lượng ly khai ở phía Nam. Cả hai tổ chức khủng bố Al-Qaeda và IS đều lợi dụng cuộc xung đột và bất ổn hiện nay như tình trạng thiếu kiểm soát, vô luật pháp để bành trướng và tăng cường tấn công ở các khu vực miền Nam và miền Đông Yemen.

Phiến quân IS đã tuyên bố thực hiện nhiều vụ tấn công chết người, trong khi chính quyền không thể kiểm soát nổi tình hình ở những khu vực giành lại được từ tay lực lượng Houthi. Ngoài ra, giới quan sát cũng cảnh báo về nguy cơ quân ly khai miền Nam sẽ làm gia tăng những thách thức mà Yemen đang phải đối mặt.