Hy vọng kép?
(ANTĐ) - Cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Thái Lan sau đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã diễn ra một cách êm thấm với trông đợi mở đường cho việc thành lập một chính phủ dân cử giúp giải quyết những bất ổn thời gian dài vừa qua.
Cử tri Thái Lan xếp hàng vào bầu cử với hi vọng về một chính trường ổn định |
Sự đối đầu giữa hai lực lượng ủng hộ và chống đối ông Thaksin cùng cuộc đảo chính quân sự tháng 9-2006 không chỉ đẩy Thái Lan vào cuộc khủng hoảng chính trị mà còn gây ra những chia rẽ sâu sắc trên cả chính trường và xã hội. Cuộc khủng hoảng đó tác động tiêu cực lên cả nền kinh tế và hình ảnh của Thái Lan tại khu vực và trên thế giới. Trong khi kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 4% năm 2007-mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu á tới nay, nhiều tiếng nói quốc tế liên tục kêu gọi Thái Lan sớm trở lại tiến trình dân chủ bằng cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Trong bối cảnh đó, không ít cử tri Thái Lan đến các địa điểm bầu cử ngày chủ nhật (23-7) với niềm hy vọng kép. Một chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử tự do bên cạnh việc đưa đất nước trở lại con đường dân chủ cũng đồng thời mở ra cơ hội chấm dứt những ngày tháng bất ổn định và chia rẽ.
Tuy nhiên, giới phân tích tại Thái Lan lại không mấy lạc quan khi nhìn nhận về tình hình chính trị đất nước sau bầu cử. Theo họ, cuộc đối đầu giữa hai chính đảng mạnh nhất trên chính trường Thái Lan là đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) gồm chủ yếu là các cựu thành viên đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin và đảng Dân chủ (DP) sẽ còn tiếp diễn.
Kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố thể có vào rạng sáng nay 24-12 (theo giờ Hà Nội) nhưng thăm dò tại các địa điểm bỏ phiếu tại Thái Lan cho thấy PPP nhiều khả năng giành chiến thắng trước DP. Việc PPP có chiếm đa số quá bán trong Quốc hội 480 ghế hay không chưa được chính thức xác nhận song nhìn nhận chung đều cho rằng PPP chắc chắn thu được số ghế nhiều ghế hơn so với đối thủ chính DP.
Chiến thắng của PPP trong cuộc bầu cử Quốc hội đang được giới phân tích nước này nhìn nhận một cách thận trọng khi đề cập tới tương lai chính trường Thái Lan. Quan điểm ủng hộ ông Thaksin và công khai tuyên bố sẽ tìm cách đưa cựu Thủ tướng bị lật đổ này trở lại đất nước đã khiến PPP đối đầu gay gắt với DP và giới quân sự vốn có vai trò cùng ảnh hưởng rất quan trọng. DP hiện vẫn giữ lập trường đối đầu không khoan nhượng với PPP và ông Thaksin trong khi giới quân sự cũng không muốn một chính đảng ủng hộ nhà lãnh đạo bị mình đảo chính lật đổ nắm quyền lực.
Bởi thế, dư luận chưa hoàn toàn đặt niềm tin vào một chính phủ mới được thành lập sau bầu cử tại Thái Lan có khả năng giải quyết những bất ổn và chia rẽ chính trị ở đất nước này. Nhà bình luận Jonathan Head tại Bangkok cho rằng bất kỳ chính phủ nào được thành lập đều có khả năng không tạo được một liên minh bền vững và không tồn tại lâu. “Sự chia rẽ trong xã hội Thái Lan giữa những người ủng hộ và phản đối ông Thaksin, giữa những người ủng hộ và phản đối cuộc đảo chính, vẫn còn đó”, chuyên gia chính trị này nhìn nhận.
Hoàng Hà