Hy Lạp chấp nhận "vòng kim cô"

ANTĐ - Chỉ 2 ngày trước khi cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu, sáng 10-7, Chính phủ Hy Lạp đã trình kế hoạch cải cách kinh tế theo hướng gần như đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ về việc thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ.
Hy Lạp chấp nhận "vòng kim cô" ảnh 1

Người dân Hy Lạp chờ đợi trước các ngân hàng để rút tiền

Đề xuất mới nhất của Hy Lạp bao gồm các yêu cầu trợ giúp tài chính cho nước này trong 3 năm, cơ cấu lại nợ cho nước này và một gói đầu tư trị giá 35 tỉ euro. Chính phủ Hy Lạp cũng công bố chi tiết kế hoạch cải cách mới dài 13 trang, bao gồm một loạt cải cách và cắt giảm chi tiêu công trị giá 13 tỉ euro để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba từ các chủ nợ và cho phép nước này vẫn ở lại trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chính phủ Hy Lạp cũng nhất trí với yêu cầu của các chủ nợ về việc không khuyến khích người lao động về hưu sớm, đồng thời tăng thuế doanh thu lên mức 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đây là động thái bất ngờ bởi mới 5-7 vừa rồi, cả châu Âu như lên cơn sốt sau khi 61,31% cử tri “xứ sở thần thoại” tham gia cuộc trưng cầu ý dân đã nói “không” với kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đặt ra để đổi lấy việc tung tiền cứu trợ Hy Lạp. Báo chí Hy Lạp mô tả Thủ tướng nước này A. Tsipras đã quyết định không khuất phục những điều kiện của các chủ nợ mà ông gọi là một “nỗi nhục nhã” và “không thể chịu đựng nổi”.

Ấy vậy nhưng sau cuộc họp khẩn cấp, nội các Hy Lạp đã thông qua gói cải cách và cắt giảm chi tiêu công sau khi các bộ trưởng đều thừa nhận rằng tình trạng nguy cấp của nền kinh tế và nguy cơ các ngân hàng phá sản khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hầu hết các điều kiện của các chủ nợ quốc tế. Thậm chí truyền thông Hy Lạp không ngần ngại khi dẫn lời Thủ tướng A. Tsipras tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp”.

Thực tế thì Hy Lạp cũng chẳng còn con đường nào khác. Hy Lạp đang bên bờ vực vỡ nợ sau khi mất khả năng thanh toán số tiền 1,6 tỷ euro theo đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 30-6 vừa qua. Các ngân hàng tại Hy Lạp đã đóng cửa từ ngày 28-6 nhằm tránh việc rút tiền ồ ạt có thể khiến hệ thống ngân hàng sụp đổ vì mất khả năng thanh khoản. Ban đầu, Chính phủ Hy Lạp dự kiến sẽ mở cửa trở lại các ngân hàng ngay sau ngày trưng cầu ý dân, tức là ngày 6-7. Tuy nhiên, biện pháp này sau đó đã được kéo dài tới ngày 8-7 rồi tiếp tục hoãn tới ngày 10-7. 

Theo những nguồn thạo tin, các ngân hàng Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt trong 2-3 ngày nữa nếu các chủ nợ quốc tế không thể nhất trí việc tiếp tục hỗ trợ quốc gia đang ngập trong nợ nần này. Hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài bị phong tỏa, trong khi người dân nước này chỉ có thể rút tối đa 60 euro/người/ngày. Khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là rất lớn, kèm theo những tác động và hệ quả vô cùng khó lường đến nước này và toàn bộ khu vực. 

Hơn ai hết, Athens hiểu rõ “già néo đứt dây” nên buộc Hy Lạp phải có thỏa hiệp. Trước mắt, kế hoạch của Hy Lạp sẽ được các thiết chế giám sát chương trình giải cứu nước này xem xét trước khi được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone trong ngày 11-7. Khi đó, các bộ trưởng sẽ quyết định liệu kế hoạch đã đáp ứng các điều kiện để tiến hành thương lượng về một gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp hay không, trước khi cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 12-7 đưa ra phán quyết cuối cùng.

Các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp, thậm chí tái cơ cấu đáng kể nợ cho nước này, song cũng cảnh báo không thay đổi nguyên tắc cho vay của mình. Nguyên tắc đó là nước được vay phải thực hiện các yêu cầu của IMF nhằm khôi phục lại sự ổn định, trở lại tăng trưởng và đảm bảo bền vững. Dù chẳng muốn bị “chiếc vòng kim cô” trói chặt nhưng Hy Lạp cũng chẳng còn cách nào khác.