Huyền thoại Hồ Chí Minh

ANTD.VN - Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/ 19-5-2020), Báo The Times of India (Ấn Độ) đã đăng tải bài viết ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và công sức của Người trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Báo An ninh Thủ đô xin được lược dịch và trích đăng bài viết này.

Huyền thoại Hồ Chí Minh ảnh 1Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ năm 1958

Hồ Chí Minh - Nhân vật huyền thoại của Việt Nam. Người đóng vai trò then chốt cho nền độc lập Việt Nam và sự thống nhất của đất nước này. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những đóng góp lớn lao trong việc phát triển mối quan hệ bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ. 

Hồ Chí Minh - Người luôn khao khát tìm kiếm kiến thức để có thể giải phóng người dân ra khỏi ách thống trị thực dân. Ngay từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tiếng nói cho nền độc lập Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền cảm hứng từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Năm 1923, Hồ Chí Minh cùng với nhà cách mạng Ấn Độ M. N. Roy làm việc cho Hiệp hội các dân tộc bị áp bức tại châu Á có trụ sở tại Thủ đô Mátxcơva (Nga) - đây là những dấu mốc lịch sử đánh dấu sự sẻ chia giữa Việt Nam - Ấn Độ trong cuộc đấu tranh chung để giải phóng khỏi sự thống trị của thực dân và giành được độc lập dân tộc.

Hồ Chí Minh - Một nhà lý luận, một nhà thực tiễn. Khái niệm về cuộc nổi dậy giành độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng rộng lớn, bao gồm các khía cạnh kinh tế - xã hội - chính trị chứ không chỉ riêng quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia của quần chúng và liên minh công nhân - nông dân - trí thức để đạt được mục tiêu cách mạng đã đề ra. Những ý tưởng của Hồ Chí Minh về lý thuyết cách mạng giải phóng đã được nêu ra trong kiệt tác “Đường Kách mệnh”.  

Một cuốn sách khác của Hồ Chí Minh có tựa đề “Chiến tranh Du kích” đã mô tả các nguyên tắc của phương pháp chiến đấu mà lực lượng vũ trang áp dụng trong thời kỳ nổi dậy, cấu trúc và bản chất của lực lượng vũ trang. Hồ Chí Minh nhấn mạnh chiến thắng là “cuộc nổi dậy của toàn dân, phối hợp chặt chẽ với cuộc tấn công của các lực lượng cách mạng vũ trang”. Hồ Chí Minh đã áp dụng một cách sáng tạo cuộc chiến tranh cách mạng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 và Mặt trận Việt Minh năm 1941. Vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã giải phóng được miền Bắc Việt Nam và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh thắng cả Nhật, Mỹ để thống nhất toàn bộ đất nước Việt Nam. 

Hồ Chí Minh - Người đã nghiên cứu chặt chẽ phong trào cách mạng Ấn Độ - đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam - Ấn Độ. Điều thú vị là cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi đều được nhân dân ngợi ca là “Anh hùng dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ về vai trò của nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi trong cuộc đấu tranh chống thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tuyên bố khi so sánh tình hình Ấn Độ với tình hình Việt Nam: “Ở Ấn Độ, các bạn có Mahatma Gandhi. Ở đây, tôi là Mahatma Gandhi”.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã có cuộc gặp gỡ, đặt nền móng cho mối quan hệ chính thức giữa hai quốc gia. Thủ tướng Jawaharlal Nehru đến thăm Việt Nam sau chiến thắng chống Pháp tại Điện Biên Phủ vào năm 1954. Đáng kể, trong khi Thủ tướng Jawaharlal Nehru được người dân trìu mến gọi “Chacha Nehru” (có nghĩa là Bác Nehru) ở Ấn Độ thì Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam thân thương gọi hai tiếng “Bác Hồ”.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong ghi chú hành trình của mình đã viết rằng ông rất ấn tượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đó là một người cương trực, thẳng thắn lạ thường và đáng mến” - trích bản ghi của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Trong cuộc họp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình mới nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thảo luận về sự liên kết của Ấn Độ với Khối Thịnh vượng và bày tỏ sự quan tâm muốn liên kết với Liên minh Pháp với điều kiện đất nước độc lập hoàn toàn.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru cho hay theo quan sát của mình, ông không hề thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự hận thù nào với Pháp, mà đó là một con người của “hòa bình” và “thiện chí”. Ấn tượng đó đã đặt nền tảng cho tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru thông qua các chuyến thăm và liên lạc tình nghĩa, vượt ra ngoài các nghi thức ngoại giao.   

Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ kéo dài 11 ngày vào tháng 2-1958. Chuyến thăm này đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Trên bình diện quốc tế, đây là một động thái quan trọng. Sự chào đón nồng nhiệt và thân tình dành tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chuyến thăm đã phản ánh sự quan tâm sâu sắc mà Ấn Độ dành cho Việt Nam cũng như đối với cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị một nhà cách mạng vĩ đại, một anh hùng huyền thoại. Đã có những cuộc thảo luận về các vấn đề đối ngoại sau Hội nghị Bandung vào năm 1955 với sự tham dự của cả Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai đều đánh giá cao những nỗ lực vì hòa bình của các nước trên thế giới. Trong chuyến thăm Ấn Độ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với những người dân Ấn Độ - điều này phản ánh sự chú trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ giữa con người với con người. Sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng đặc biệt với nhân dân Ấn Độ.

Năm 1959, Tổng thống đầu tiên Ấn Độ Rajendra Prasad đã tới thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng thống Rajendra Prasad đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng một cây bồ đề - biểu tượng của sự giác ngộ theo Phật giáo - tại chùa Trấn Quốc. Mối quan hệ văn hóa được xây dựng từ đó, là nền tảng cho mối quan hệ đặc biệt bền chặt giữa hai nước - một mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vô cùng tốt đẹp!... 

Ấn Độ đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo rất quan trọng trên thế giới. 

Hồ Chí Minh thực là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất của thời đại chúng ta. 

Hồ Chí Minh có sức lan tỏa ra ngoài cả biên giới Việt Nam.  

Hồ Chí Minh đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng những cây cầu hữu nghị và kết nối mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam - đây là món quà vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho hai quốc gia lẫn nhân dân Ấn Độ và Việt Nam.