Hủ tục "giết người vì danh dự"

ANTĐ - Bi kịch xảy đến với Rama Kunwar, người Ấn Độ chỉ một tuần sau khi bộ phim tài liệu “Cô gái trên sông: Cái giá của sự tha thứ” nói về những vụ giết người vì danh dự ở Pakistan được trao giải Oscar 2016. Sự việc cho thấy, hủ tục “giết người vì danh dự”  còn ăn sâu vào đời sống của người dân một số nước Nam Á.

Hủ tục "giết người vì danh dự" ảnh 1Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trao đổi với nhà làm phim đoạt giải Oscar 2016
Sharmeen Obaid-Chinoy 

Bi kịch ngày trở về

Rama Kunwar cứ nghĩ chuyến trở về quê hương lần này của cô sẽ ổn thỏa. 8 năm trước, cô đã không tuân theo sự sắp xếp của gia đình và bỏ trốn với người mình yêu, anh Prakash Sevak. Không cùng đẳng cấp nhưng hai người đã quyết tâm vượt qua rào cản. Thời gian trôi đi, Kunwar tin rằng gia đình đã tha thứ cho cô về cái gọi là “cuộc hôn nhân nhục nhã”. Song cuối tuần trước, khi về đến làng Pachlasa Chhota ở bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ, lúc Kunwar đang ở trong nhà chồng, cô bị 20 anh em họ kéo ra ngoài. Họ đánh đập, đổ dầu lên người rồi thiêu sống cô. “Cô ấy đã gào khóc cầu cứu nhưng không ai đáp lại”, Brijran Singh, một cán bộ địa phương nói. Để xóa dấu vết, những người đàn ông vội vã chôn thi thể của Rama Kunwar.

Theo tờ Times of India, 7 người đã bị bắt, bị đưa ra tòa xử hôm Chủ nhật, 6-3. Cảnh sát đang truy tìm 20 đối tượng khác liên quan đến vụ giết người này. Kunwar tưởng chuyến trở về sau từng ấy năm đủ để hàn gắn mọi chuyện, nhưng ai ngờ, cô con gái 3 tuổi của cô đã mất mẹ mãi mãi. Vụ việc một lần nữa cho thấy sự tàn ác, vô nhân đạo của một tục lệ lâu đời gọi là “giết người vì danh dự” ở Ấn Độ, trong đó người phụ nữ có thể phải mất cả tính mạng nếu yêu người có đẳng cấp hay tôn giáo khác.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, chuyện xảy đến với Rama Kunwar chỉ một tuần sau khi bộ phim “Cô gái trên sông: Cái giá của sự tha thứ” nói về số phận người phụ nữ bị giết hại để bảo vệ danh dự cho gia đình ở Pakistan được trao giải Oscar 2016 cho hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất. 

Người sống sót hy hữu

Trong bộ phim đoạt giải, Saba, 19 tuổi, nhân vật chính, xuất hiện ở một bệnh viện tại Gujranwala, một thành phố ở tỉnh Punjab, phía Đông Pakistan. Saba vốn được gia đình ủng hộ kết hôn với anh rể của cô. Vì thế, chỉ vài giờ sau khi Saba “can tội” cưới người mà gia đình không đồng ý, cô đã bị cha và chú mình bắn vào đầu, nhét vào bao tải và ném xuống sông. Cô gái sau đó được người dân cứu vớt. Saba đúng là người may mắn bởi thống kê cho thấy hơn 1.000 phụ nữ Pakistan bị giết hại để bảo vệ “danh dự” cho gia đình mỗi năm.

Nhà làm phim Sharmeen Obaid-Chinoy cho biết, bà đã muốn làm phim về những vụ việc man rợ này từ lâu. Tình cờ, bà biết được câu chuyện của Saba trên một tờ báo địa phương. Sau khi gọi điện tới bệnh viện, nhà làm phim đã gặp được Saba, đúng lúc cô sẵn sàng kể câu chuyện của mình.

Sau khi ra viện, Saba phải ẩn náu để sống với chồng mình - anh Qaiser. Mặc dù tuyên bố sẽ không bao giờ tha thứ cho những người đã cố giết mình, Saba vẫn đến dự phiên tòa xét xử. Cuối cùng, cha và chú cô đã được tha bổng, cha mẹ Saba cũng nói rằng họ đã tha thứ cho cô. 

Hy vọng về sự thay đổi

“Sau khi xem phim, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nói rằng ông sẽ thay đổi luật về những cái chết danh dự. Đó là sức mạnh của phim ảnh”, nhà làm phim Sharmeen Obaid-Chinoy phát biểu khi nhận giải Oscar hôm 28-2. Bà Obaid-Chinoy cho biết, theo luật pháp Pakistan, những người lạm dụng hay giết người trong các vụ “giết người vì danh dự” có thể trắng án nếu được bị hại là thành viên trong gia đình tha thứ. Thủ tướng Nawaz Sharif Sharif cho rằng, mọi thủ phạm trong các vụ án dạng đó sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt, ngay cả khi được gia đình tha thứ.

Saba hiện giờ đã có một cậu con trai và nhà làm phim Obaid-Chinoy đã giúp cô có được giấy khai sinh, mua một mảnh đất nhỏ đồng thời đang quyên tiền để xây nhà.

Nói về giải thưởng, bà Obaid-Chinoy tâm sự: “Thật tuyệt vời bởi vấn đề này đã thu hút được khán giả toàn cầu. Điều này đã tạo ra sự thay đổi lớn ở Pakistan. Tôi vui vì về nhà với một bức tượng vàng và biết rằng nó sẽ tác động đến nhiều người khác”.