Hỗn loạn thị trường sữa trẻ em ở Trung Quốc

ANTĐ - Sau một loạt các vụ xì-căng-đan về sữa trẻ em, lòng tin của người Trung Quốc vào các sản phẩm sữa nội rơi vào khủng hoảng.

Giữa lúc đó, các ông bố bà mẹ nước này lại đặt niềm hi vọng vào các sản phẩm sữa ngoại, nhưng họ đâu biết được rằng chỉ ít trong số các sản phẩm sữa mà họ tin mua mới thực sự là "ngoại".

Khi thị trường sữa trẻ em ngoại mở rộng, các nhà sản xuất sữa Trung Quốc láu cá đã nhanh chân đăng ký nhãn hiệu của mình ở nước ngoài rồi sau đó lại bán sản phẩm của mình ở Trung Quốc lấy danh nghĩa là công ty nước ngoài. Các chuyên gia cảnh báo các sản phẩm sữa này không hoàn toàn là thật và các ông bố bà mẹ phải thật tỉnh táo khi chọn sữa cho con mình.

Tín nhiệm giảm sút

Đầu tháng này, một khách hàng giấu tên định mua sữa trẻ em nhãn hiệu Nouriz trên mạng vì trước đó anh biết được thông tin sữa này được nhập khẩu rừ New Zealand. Nhưng một người bạn của anh ở New Zealand đã tiết lộ cho anh biết là nhãn hiệu này không thấy xuất hiện ở thị trường địa phương và người dân ở đây cũng chưa từng nghe thấy loại sữa này bao gìơ, tờ Beijing News thông tin.

Công ty sữa Nouriz Thượng Hải hôm thứ Tư tuần trước đưa ra một bản công bố trên website của họ xác nhận họ đã đăng ký nhãn hiệu Nouriz ở cả New Zealand và Trung Quốc để đảm bảo qúa trình sản xuất của họ đáp ứng các tiêu chuẩn ở mỗi nước.

Các nguyên liệu thô sử dụng trong sữa trẻ em Nouriz được sản xuất ở New Zealand và toàn bộ qúa trình sản xuất được hoàn thiện tại đó. Họ cũng nhấn mạnh rằng Công ty sữa Nouriz Thượng Hải là công ty duy nhất chịu trách nhiệm cho việc tiếp thị và dịch vụ hậu mãi ở Trung Quốc. Lý do tại sao nhãn hiệu này không tìm thấy ở New Zealand là vì họ nhắm thị trường mục tiêu ở Trung Quốc mà thôi, phát ngôn viên của công ty này nói. Nouriz không phải là nhãn hiệu "ngoại" duy nhất được "phù phép" cho thị trường Trung Quốc.

Scient, một công ty dinh dưỡng trẻ em có trụ sở tại Quảng Châu, từng tuyên bố họ là một công ty của Mỹ và toàn bộ sữa của họ đều được nhập khẩu. Tuy nhiên, trong các tài liệu Cơ quan quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố hồi tháng 7 năm 2009 cho thấy "Scient" không nằm trong cơ sở dữ liệu các công ty thực phẩm đã đăng ký với cơ quan này và địa chỉ đã đăng ký của Scient chỉ là một ngôi nhà mà không có bất cứ một cơ sở sản xuất nào, tạp chí Beijing Daily viết. Dưới áp lực của công luận, Zhang Litian, chủ tịch điều hành của Scient cuối cùng phải thừa nhận "Công ty và nnhẫn hiệu Scient hoàn toàn là sở hữu và điều hành ở Trung Quốc".

Một loạt các vụ lùm xùm về sữa ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã làm suy giảm lòng tin của người dùng vào các sản phẩm sữa nội và đó là một phần nguyên nhân của sự phổ biến sữa "ngoại". Tổng cục quản lý thanh, kiểm tra và giám sát chất lượng GAQSIQ vào tháng 9 năm 2008 đã đưa ra một thông báo trong đó nói rằng Melamine, một chất hóa học khi được bổ sung lượng vừa phải có thể làm tăng hàm lượng protein trong sữa nhưng với hàm lượng lớn sẽ gây các bệnh về hệ thống tiểu tiện. Hàm lượng chất này được phát hiện có trong 69 lô sữa trẻ em có nguồn gốc từ 22 cơ sở sản xuất sữa trên cả nước. Trong số này có cả những tên tuổi lớn trong ngành sản xuất sữa như Sanlu Group, Inner Mongolia Mengniu Dairy Group, Inner Mongolia Yili Industrial Group. 

Tiêu hủy sữa tại Trung Quốc

Vụ gần đây nhất phát hiện một lượng lớn chất Aflatoxin M1, một chât gây ung thư mạnh, được phát hiện vượt qúa 140% mức cho phép trong các sản phẩm sữa lỏng được sản xuất bởi một chi nhánh của tập đoàn sữa Mengniu Nội Mông ở Mỹ Sơn, tỉnh Tứ xuyên vào tháng 12 năm 2011.

"Một loạt các sự việc gần đây liên quan đến các sản phẩm sữa nội đã làm tôi mất hản niềm tin vào họ", Yang Juan, bà mẹ của một bé trai ba tuổi ở Bắc Kinh than phiền. "Không biết sắp tới sản phẩm sữa nào sẽ gặp rắc rối đây nữa".

Kể từ lúc con trai cô chào đời, Yang đã phải mua cho bé sữa Friso, một sản phẩm sữa của Hà Lan, trên mạng vì giá sữa trên mạng thường rẻ hơn rất nhiều so với gía niêm yết trong các siêu thị. "Tất cả các bà mẹ trẻ chỗ tôi ở đều mua sữa được nhập khẩu cho con họ", cô Yang nói.

Hui ZhengFeng, một ông bố 26 tuổi và là một người làm công ở mỏ than ở Shenmu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc cứ hai tháng một lần lại phải bay về trung tâm tỉnh để mua sữa Mead Johnson, sữa được sản xuất ở Mỹ. "Tôi đang rất lo lắng nhỡ ngày nào đó lại mua phải sữa dỏm ở cái thị trấn nhỏ bé này lắm".

Cơ hội của những công ty nước ngoài

Sự suy giảm lòng tin vào các sản phẩm sữa nội vô hình trung lại tạo cơ hội cho các thương hiệu ngoại làm mưa làm gió ở Trung Quốc. Trước năm 2008, tương quan thị phần của sữa trẻ em ngoại và nội ở Trung Quốc là 30 và 70. Sau sự vụ Melamine, thị phần dành cho sữa ngoại đã tăng đáng kể, Wang Dingmian, chủ tịch Hiệp hội Sữa Quảng Châu cho biết.

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy thị phần hiện tại dành cho các nhãn hiệu sữa ngoại là khoảng 60%. Ở thị trương cao cấp tỉ lệ đó lên tới 90%, tờ Shanghai Evening Post đưa tin hôm thứ Năm vừa qua. Các thống kê thị trường cho thấy các sản phẩm sữa ngoại thường được bán ở mức 200 đến 400 NDT một hộp, cao gấp 2 đến 3 lần so với các sản phẩm nội. Tổng tỉ lệ lợi nhuận của sữa ngoại lên tới từ 80 đến 100% trong khi với các sản phẩm nội, tỉ lệ đó chỉ là 40%.

Cơ hội dành cho các công ty sữa ngoại

"Giá sữa trẻ em ngoại ở Trung Quốc cao hơn đáng kể so với ở các nước khác. Các nhãn hiệu ngoại thu lợi lớn nhờ họ biết nhắm mục tiêu vào nhóm thị trường cao cấp ở Trung Quốc", ông Wang nói. Giá của họ không phụ thuộc vào chi phí sản xuất và hàng rào thuế quan". Có một thực tế là nhiều khách hàng Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng chuộng sữa ngoại hơn.

Khi an ninh lương thực đang trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó có cả vấn đề an toàn sữa, thì có nhiều thứ ảnh hưởng đến chất lượng của chúng như hoạt động sản xuất, vận chuyển, phân phối, dây chuyền bán sản phẩm, ông Cao, phó tổng thư ký hiệp hội sữa Thượng Hải cho biết và không quên nói thêm "không phải tất cả các sản phẩm sữa ngoại đều tốt và không phải toàn bộ sữa nội đều không tốt".

Tập đoàn Abbott Laboratories Inc. có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 9 2010 công bố họ tự nguyện thu hồi hàng triệu hộp sữa bột Similac đang bán chạy nhất của mình sau khi phát hiện có con gián trong sản phẩm sữa và trong một nhà máy ở Michigan nơi nó được sản xuất, hãng tin Reuters báo cáo.

Để giành lại lòng tin của người tiêu dùng, các nhà sản xuất sữa cần tiến hành qúa trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, thậm chí là mời một tổ chức giám sát độc lập để giám sát toàn bộ qúa trình sản xuất và phân phối làm sao để đảm bảo tính minh bạch trong thông tin đối với công chúng, ông Wang kết luận.