Hơn 400.00 cử nhân Hàn Quốc thất nghiệp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt

ANTD.VN - Thất nghiệp đang trở thành vấn đề xã hội lớn ở Hàn Quốc, khi ngay cả những người có trình độ học vấn cao, được đào tạo cẩn thận vẫn không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Hơn 400.00 cử nhân Hàn Quốc thất nghiệp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt ảnh 1Hiện người có trình độ đại học thất nghiệp ở Hàn Quốc cao thứ hai (chiếm 35,8%) trong tổng số 1,2 triệu người thất nghiệp

Theo kết quả khảo sát mà Tổng cục Thống kê Hàn Quốc vừa công bố, số người thất nghiệp có trình độ đại học (hệ 4 năm) là khoảng 402 nghìn người, cao hơn 76 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức thất nghiệp cao nhất trong nhóm lao động này kể từ năm 2000. Trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp hiện nay ở Hàn Quốc, tỷ lệ người có trình độ đại học thất nghiệp cao thứ hai (với 35,8%), chỉ đứng sau nhóm tốt nghiệp trung học (40,6%).

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đặt yêu cầu tạo thêm việc làm như một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách của mình. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nền kinh tế Hàn Quốc đang phát triển chậm và gặp nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức khoảng 3%, trong khi mô hình kinh tế đề cao sản xuất và hướng ra xuất khẩu của Hàn Quốc đang giảm dần tính hiệu quả do sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Trung Quốc, cũng như mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa.

Kinh tế trì trệ dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc có xu hướng tăng lên. Số liệu do cơ quan thống kê Hàn Quốc tổng hợp cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong năm 2017 vẫn ở mức cao (3,73%) và không có dấu hiệu giảm. Con số đó trong tháng 5-2018 là 4%, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng 5 có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 18 năm qua tại Hàn Quốc. Tình trạng này đương nhiên tác động tới cơ hội việc làm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Thêm vào đó, trong một xã hội có trình độ phát triển ngày càng cao, sự cạnh tranh việc làm đương nhiên khốc liệt hơn. Tính đến tháng 5-2018, số người có trình độ đại học tham gia các hoạt động kinh tế ở Hàn Quốc là 9,3 triệu người, tăng gần gấp 2 lần so với những năm trước đó. Năm 2000, tỷ lệ những người có trình độ trên đại học trong tổng số những người tham gia vào hoạt động kinh tế là 17%, hiện nay con số này đã tăng vọt lên tới 33,1%.

Trong khi đó, giới trẻ Hàn Quốc lại tỏ ra thờ ơ với những công việc lao động chân tay mà cha mẹ họ từng làm trước kia. Một số thanh niên có quan điểm rằng họ phải được làm việc tại các công ty lớn hoặc không làm gì cả. Nhiều thanh niên sau tốt nghiệp đại học sẵn sàng chấp nhận sống trong điều kiện tồi tàn và ôn luyện 15 tiếng mỗi ngày để chờ đến đợt tuyển dụng. Vì thế, sức cạnh tranh trên thị trường việc làm ở Hàn Quốc ngày càng cao. 

Để giảm bớt căng thẳng do tình trạng thất nghiệp, năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thông qua ngân sách bổ sung với quy mô khoảng 10 tỷ USD nhằm tạo việc làm mới trong khối Nhà nước và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn tìm cách hỗ trợ những doanh nhân khởi nghiệp nhằm tạo ra luồng gió mới và tạo thêm việc làm cho nền kinh tế vốn đang bị phụ thuộc vào các tập đoàn gia đình. Theo ông Moon Jae-in, kinh tế sẽ phát triển bền vững nếu như tập trung vào các công ty có quy mô vừa và nhỏ. Vì thế ông sẽ không nhân nhượng các tập đoàn kinh tế gia đình trị, vốn bị cho là tác động tiêu cực đến tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của nước này.

Hiện chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch thành lập 250 trung tâm khởi nghiệp ở các khu vực trên cả nước trước năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp do thanh niên lập ra và định hướng phát triển dựa trên sự sáng tạo. Nhiều bạn trẻ kỳ vọng điều này sẽ đem lại sự thay đổi cho nền kinh tế xứ sở kim chi, giúp giải quyết nạn thất nghiệp.