Hơn 20 trẻ tử vong chỉ trong 24h nghi do ngộ độc vải thiều tại Ấn Độ

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 24 giờ, Ấn Độ đã ghi nhận con số hơn 20 trẻ em tử vong vì hội chứng viêm não cấp tính (AES) nghi do ngộ độc vải thiều, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 97 ca.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, tất cả các ca tử vong được ghi nhận tại vùng trồng vải thiều chính, thuộc bang Bihar, miền Đông nước này. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nôn mửa, sốt cao, co giật và đau đầu.

Đa số trẻ em nhập viện trong tình trạng nôn mửa, sốt cao, co giật và đau đầu.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Ấn Độ, nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người nằm ở chính những quả vải thiều đang được ưa chuộng vào mùa hè tại nước này. Quả vải tưởng chừng vô hại nhưng lại chứa các axit amin bất thường (có tên là Methylene cyclopropyl-glycine - MCPG). Loại axit này có thể gây hạ đường huyết đột ngột trong máu, đặc biệt nguy hiểm trong tình trạng đường huyết xuống cực thấp khi đói, dẫn đến viêm não cấp tính (AES).

Những trẻ tử vong tại Ấn Độ đều là trẻ em nghèo, hằng ngày đi nhặt vải rụng để ăn lúc đói bụng. Chính thói quen này đã vô tình cướp đi mạng sống của hơn 100 trẻ em nước này mỗi năm.

Ít ai nghĩ rằng thủ phạm gây chết người lại chính là quả vải thiều quen thuộc

“Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sớm nhất tình trạng này”. Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan sau chuyến thăm bệnh nhân tại Trường Cao đẳng Y tế và Bệnh viện Sri Krishna (SLMCH) thuộc Muzaffapur vào ngày 16/6/2019. 

3 trẻ em đã tử vong chỉ trong gần 4 giờ Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt tại bệnh viện

Hiện có khoảng 146 bệnh nhân vẫn đang được điều trị ngay tại các khu vực trung tâm bùng phát của Ấn Độ. Theo Bộ Y tế, việc điều trị có thể bị cản trở bởi đợt nắng nóng cực đoan. Bộ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ tránh để con cái chơi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời và không cho trẻ đi ngủ khi đói bụng. Các trường học tại nước này sẽ vẫn đóng cửa cho đến ngày 22/6 nhằm phòng ngừa bệnh bùng phát thêm.