Hội Thánh Đức Chúa Trời bị lên án mạnh mẽ ở Hàn Quốc

ANTD.VN - World Mission Society Church of God - được biết đến ở Việt Nam với cái tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, một phong trào tôn giáo mới bắt nguồn từ Hàn Quốc và đã mở rộng tầm ảnh hưởng tới 175 quốc gia khác nhau, đang bộc lộ những tiêu cực nhất định không chỉ ở những nơi họ đi qua mà ở ngay chính “quê hương”.

Hội Thánh Đức Chúa Trời bị lên án mạnh mẽ ở Hàn Quốc ảnh 1Người biểu tình phản đối hoạt động của WMSCG tại Seongnamshi, Gyeonggi-do, Hàn Quốc

Nhiều quan điểm trái ngược

Hội Thánh Đức Chúa Trời (WMSCG)được thành lập bởi Kim Joo Cheol và bà Jang Gil-la vào năm 1985 tại Busan (Hàn Quốc), sau khi tiếp quản Hội Thánh do ông Ahn Sang-hong sáng lập vào năm 1965. Hội nhanh chóng lớn mạnh và lần đầu tiên mở rộng hoạt động của mình ra khỏi biên giới Hàn Quốc vào năm 1997, khi thành lập 3 giáo hội lần lượt ở Los Angeles (Mỹ), Lahore (Pakistan) và Essen (Đức). Phong trào tôn giáo mới này bắt đầu lan sang Việt Nam năm 2001 bởi những giáo sĩ Hàn Quốc tới Việt Nam và những tín đồ người Việt hồi hương sau nhiều năm ở Hàn Quốc. 

WMSCG được thành lập ban đầu với mục đích phục hưng lại bản chất của một hội thánh thuở sơ khai. Họ tin rằng Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ đã đến trong xác thịt một người bình thường ở Hàn Quốc, đồng thời cũng tuân theo những điều được ghi trong Kinh thánh của Cha Ahn Sang-hong.

Những tín đồ của hội kỷ niệm 7 ngày lễ trọng theo Giao ước Mới của Chúa Jesus, không công nhận ngày lễ Giáng Sinh như Cơ đốc giáo và Thiên chúa giáo. Họ cũng giữ ngày Shabbat thứ bảy, vào ngày này các tín đồ phải thực hiện lễ thờ phượng như Chúa Jesus đã làm 2000 năm trước, cầu nguyện nhân danh Đức Thánh Linh Ahn Sang-hong và những nữ tín đồ phải mang khăn trùm đầu trong suốt buổi cầu. Những điều này đã khiến WMSCG có những quan điểm trái ngược với một vài tôn giáo chính thống khác và bị lên án ở chính Hàn Quốc. 

Bị phản đối ở chính quê hương 

Không chỉ có những tác động tiêu cực bởi những biến tấu trong cách truyền đạo gắn với văn hóa các quốc gia khác, mà ngay tại chính đất nước Hàn Quốc, WMSCG cũng bị nhiều tôn giáo khác lên án là “dị giáo”.

Tờ Kukmin Daily cũng đã lên án những sai trái và tác động tiêu cực của hội đến tín đồ vào năm 2014, cho rằng WMSCG đã sao chép trái phép và biến tấu những điều được viết trong Kinh Thánh của Cơ đốc giáo khiến nhiều tín đồ rời bỏ gia đình và đem toàn bộ tài sản cung cấp cho Hội.

Sau sự việc trên, WMSCG tại Hàn Quốc đã ngay lập tức đâm đơn kiện tờ báo Kukmin Daily, cho rằng những thông tin trên hoàn toàn sai trái và bịa đặt, đồng thời nhấn mạnh 3 luận điểm:  “WMSCG không phải dị giáo”, “Hội chưa bao giờ đưa ra bất kì tuyên bố nào về ngày tận thế”, và “Không có bất kì thành viên nữ nào phải ly hôn, rời bỏ gia đình cũng như cung cấp tài sản của mình cho hội”. 

Trong một phiên tòa năm 2004 liên quan đến WMSCG, các cựu thành viên cũng đã đứng ra vạch trần những việc làm sai trái của Hội, về việc họ nhiều lần bị yêu cầu trích phần trăm thu nhập đóng cho Hội, một trong số họ cũng rơi cảnh gia đình bị ly gián. Tòa án Tối cao Hàn Quốc khẳng định, một thành viên của Hội đã trích ra một khoản tiền không nhỏ để đóng cho Hội, và mua một bộ dụng cụ khẩn cấp với giá trị lên đến 5 triệu won (khoảng hơn 100 triệu VND) từ Hội do được tuyên truyền về “ngày tận thế”. Người này cũng nhiều lần rời nhà, sống dựa vào đức tin tuyệt đối với Chúa Trời. 

Tòa án Tối cao Hàn Quốc khi đó cũng nhận định đây là một dị giáo, đồng thời công bố những biểu hiện tiêu cực của Hội khi nhiều lần đem “ngày tận thế” ra tuyên truyền tới cộng đồng, như việc năm 1988, Hội đã xuất bản một cuốn sách nói về ngày kết thúc của thế giới đang đến; hay năm 1999, Hội lợi dụng sự cố máy tính Y2K để truyền bá về ngày tận thế; và tiếp tục câu chuyện về ngày tàn của thế giới vào năm 2012. 

Không chỉ vậy, người dân Hàn Quốc cũng hình thành một làn sóng phản đối những nhóm dị giáo tiêu cực. Nhiều người nổi tiếng, như nam diễn viên gạo cội Lee Soon Jae từng bị nghi ngờ có quan hệ thân thiết với bà Jang Gil-la năm 2015, hay mới đây là 2 nhà sản xuất nổi tiếng JYP và Bae Yong Joon cùng tham gia hội nghị giáo phái Cứu Rỗi, đều đã bị chỉ trích mạnh mẽ về việc đi theo tà giáo mê tín dị đoan. 

Phá vỡ sự yên ổn của khu dân cư

Năm 2014, 4 cựu thành viên của WMSCG ở Hàn Quốc thực hiện một cuộc biểu tình nhỏ, tiết lộ rằng “WMSCG cũng như những khẳng định về ngày tận thế đã chia rẽ nhiều gia đình, gây nên nhiều vụ bạo hành và kiếm tiền từ chính các hội viên”. 4 người này sau đó bị Hội cáo buộc vu khống, tuy nhiên Tòa án Hàn Quốc đã tuyên án họ vô tội.

Tháng 11-2014, cư dân khu tập thể Sungwan, thành phố Seongnam tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cũng đã treo những tấm áp phích với thông điệp “Chúng tôi, những cư dân ở khu phố này, phản đối sự có mặt của WMSCG”. Họ chia sẻ, khu phố này trước giờ vốn rất yên ả cho đến khi WMSCG chuyển tới, gây ra nhiều phiền phức cho mọi người; một vài gia đình cũng đã tan vỡ bởi những tác động xấu từ Hội.