Hội nghị thượng đỉnh APEC và G20 có thể “hàn gắn” mối quan hệ Nga-Mỹ?

ANTĐ - Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu tại Bắc Kinh vào ngày 10-11 vừa qua và Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Úc vào ngày 15/16-11 đã nhen nhóm hy vọng sẽ làm dịu bớt những căng thẳng hiện nay giữa Nga và Mỹ. 

Hội nghị thượng đỉnh APEC và G20 có thể “hàn gắn” mối quan hệ Nga-Mỹ? ảnh 1Tổng thống Nga Putin (trái) gặp gỡTổng thống Mỹ Obama (phải)

Phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, cả  Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ, Obama đều tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh này, hy vọng rằng 2 vị Tổng thống có thể tận dụng cơ hội để làm giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ song phương.

Trong một bài báo được đăng trên một tờ báo của Đức, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry viết: "Thực sự là quan trọng để đổi mới và cố gắng thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga. Sẽ tốt hơn nếu Nga, châu Âu, Hoa Kỳ và Canada cùng nhau cố gắng để giải quyết các thách thức toàn cầu như là chủ nghĩa cực đoan, vũ khí hạt nhân và các bệnh truyền nhiễm nhằm mang lại một thế giới hòa bình, ổn định và hợp tác kinh tế". 

Theo chuyên gia Nga, Sergey Utkin cho biết, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC và G20, Nga sẽ đưa ra thảo luận một vài vấn đề gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế như là sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế và tăng trưởng kinh tế bền vững bất chấp những mâu thuẫn giữa các quốc gia.

Ông Utkin cũng cho biết thêm, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC và G20, Nga có thể đề xuất một hệ thống các biện pháp an ninh để giải quyết tình hình ở Trung Đông và có hiệu quả chống lại Hồi giáo cực đoan. Chủ đề này là một trong những điểm mạnh của Nga, bởi vì chính sách ngoại giao của Nga có thể trình bày phân tích riêng của mình trong những tình huống ở Syria và Iraq và tác động của chúng.

Bên cạnh đó, bên lề 2 hội nghị thượng đỉnh APEC và G20, “điểm nóng” Ukraine, một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng giữa Nga về phương Tây leo thang, cũng được đưa vào thảo luận. Rất có thể, sau các cuộc thảo luận, cả Moscow và phương Tây sẽ tìm được sự “tin tưởng” lẫn nhau.

Mặc dù, trong Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua, Tổng thống Obama đã nở nụ cười rất tươi với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình nhưng lại khá “hờ hững” khi Tổng thống Putin đi qua.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên điện Kremlin cho biết, 2 vị Tổng thống đã có dịp chào hỏi nhau chóng vánh, vì thời gian ngắn nên hai bên không trò chuyện về các vấn đề đang gây chia rẽ. Ngoài ra, RT dẫn lời của ông Peskov rằng: “Thực tế họ đã chào nhau, một sự liên lạc ngắn bên lề sự kiện. Tổng thống Putin nói rằng, họ sẽ có một cơ hội để nói chuyện trên băng ghế trong dịp G20 trong những ngày tới”.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở St. Petersburg, tuy không phải là cuộc họp giữa các nguyên thủ quốc gia nhưng tại đây các nước G20 đã thảo luận về sự can thiệp quân sự của Mỹ vào tình hình tại Syria.  Sau đó, Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama đã có cuộc thảo luận ngắn về vấn đề tại Syria, vài ngày sau đó, Tổng thống Mỹ đã quyết định tạm dừng các hoạt động quân sự.

Rõ ràng, cuộc thảo luận giữa ông Putin và ông Obama đã đạt được kết quả tốt đẹp. Rất có thể, trong Hội nghị G20 sắp tới, 2 vị tổng thống quyền lực này sẽ có cuộc gặp gỡ làm dịu bớt căng thẳng giữa 2 bên trong thời gian qua.