Hội chữ thập đỏ yêu cầu hành động về vấn đề Trung Đông
(ANTĐ) - Hội chữ thập đỏ quốc tế đã lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế phải có hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc “khủng hoảng ngày càng sâu sắc” ở Bờ Tây và dải Gaza.
Các nhân viên của Hội chữ thập đỏ quốc tế ở Gaza |
Lời phát biểu của Hội chữ thập đỏ quốc tế mang tính khác biệt vì từ trước đến nay tổ chức này thường không phát biểu về lập trường chính trị.
Các biện pháp mà chính quyền Israel đang áp đặt đã phủ nhận quyền của người dân Palestin được sống một cuộc sống bình thường. Trợ giúp nhân đạo không thể là giải pháp để giải quyết vấn đề ở dải Gaza và Bờ Tây.
Lời phát biểu của Hội chữ thập đỏ quốc tế được phát đi chỉ vài ngày trước khi hội nghị tài trợ được tổ chức tại Paris.
Theo các phóng viên, rất hiếm khi Hội chữ thập đỏ quốc tế phát ngôn những vấn đề mang tính chất chính trị. Tổ chức này hoạt động trung lập và thường ở những khu vực đang có xung đột. Thông thường khi phát biểu, ngôn ngữ của họ thường đề cập đến số người bị thương được chữa trị, hay số người bị bắt giữ được thăm viếng.
Nhưng lần này Hội chữ thập đỏ tuyên bố rằng cuộc sống của người dân ở Bờ Tây và dải Gaza đã trở nên quá tồi tệ đến mức mà không một khoản trợ giúp nào có thể giải quyết được.
Bà Beatrice Megevand Roggo, giám đốc Hội chữ thập đỏ ở Trung đông nói: “Tại sao chúng tôi yêu cầu phải có giải pháp chính trị? Bởi vì thực sự chúng tôi không nghĩ rằng trợ giúp nhân đạo có thể giải quyết được vấn đề”.
Ở Gaza, mọi nơi đều bị kìm hãm. Về mặt kinh tế, cuộc sống đã trở thành một cơn ác mộng. Và chính vì vậy, không có giải pháp nào có thể đưa ra bởi các cơ quan nhân đạo. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết phần nào đó nhưng chúng tôi không có được chìa khóa để giải quyết đến tận gốc rễ của vần đề".
Trên thực tế, Hội chữ thập đỏ quốc tế và các cơ quan cứu trợ khác của Liên Hợp quốc đang rót tiền vào Gaza
Cùng với những tuyên bố của mình, Hội chữ thập đỏ quốc tế đã phát hành một cuốn sách với tên “Phẩm giá bị chối từ”để vẽ lên bức tranh về cuộc sống cùng cực của người dân Palestin, những người phải chịu đựng cảnh cấm vận về mặt kinh tế làm họ không thể có việc làm, không được chăm sóc sức khỏe và không có thực phẩm.
"Israel cũng có quyền đưa ra các biện pháp để tự vệ nhưng cần phải có sự cân bằng với quyền lợi của người Palestin được sống bình thường" Bà Roggo nói.
Ngân hàng Thế giới cũng cho biết dù nguồn viện trợ có tăng và chính quyền Palestine có cải cách đến đâu nhưng phía Israel không nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh thì cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Tại hội nghị những nhà tài trợ được tổ chức vào tuần tới ở Paris, một khoản tiền trị giá 5.6 tỷ đô la Mỹ dành cho người Palestin trong vòng 3 năm tới sẽ được chính phủ các nước tham gia đóng góp.
L.T
Theo bbc