Hóa chất nông nghiệp tàn phá nơi được mệnh danh là "giỏ bánh mì" của Ấn Độ

ANTD.VN - Phần lớn người dân ở bang Punjab, Ấn Độ sống nhờ vào nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cuộc sống của người dân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nhức nhối - đó là tỷ lệ ung thư cao nhất cả nước, gia tăng số người nghiện ma túy, hơn 900 nông dân đã tự sát trong 2 năm qua.

Nhiều nông dân ở Punjab phải làm việc vất vả để kiếm tiền trả các khoản vay với lãi suất rất cao

2 năm: 900 người nông dân đã tự sát

Con đường đến làng Langroya len lỏi qua những cánh đồng trù phú với nhiều loại cây trồng đặc trưng của nền nông nghiệp Ấn Độ như lúa mì, mía, ngô, hạt mù tạt… Giống như phần lớn người dân ở bang Punjab, cư dân Langroya sống dựa vào nông nghiệp. Khoảng 3/4 trong tổng số dân 30 triệu người của bang có liên quan đến nông nghiệp. Punjab được gọi là “giỏ bánh mì” của Ấn Độ. 

Tuy nhiên, gần đây, người dân ở Punjab đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như đất cằn khô, mắc bệnh mãn tính, thiếu nước và dịch bệnh… Trong 2 năm qua, hơn 900 người nông dân đã tự sát và bang này cũng là nơi có tỷ lệ người dân mắc ung thư cao nhất Ấn Độ. Có ít nhất 90 bệnh nhân ung thư/100.000 người ở Punjab, cao hơn so với mức trung bình ở Ấn Độ là 80/100.000 dân. Một cuộc khảo sát của Chính phủ ước tính, hơn 2/3 số hộ gia đình có ít nhất một người nghiện ma túy. Thêm vào đó, nhiều nông dân phải trả các khoản vay với lãi suất cắt cổ từ những người cho vay nặng lãi. 

“Cuộc sống của chúng tôi đang bị hủy hoại vì sự ô nhiễm đất đai. Có rất nhiều vấn đề phải đối mặt khiến chúng tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Các chính trị gia luôn hứa hẹn nhưng thực tế ít lời hứa được thực hiện”. 

Surinder Kumar (Trưởng làng Langroya, Ấn Độ)  

Một số người nông dân cho biết đã nghiện ma túy. Họ sử dụng ma túy có tên là “bhuki” để quên đi cơn đói, giúp họ có thể làm việc lâu hơn trên các cánh đồng. Heroin cũng được sử dụng nhiều trong các ngôi làng ở Punjab. Một nghiên cứu của Chính phủ vào năm 2017 cho thấy, hơn 860.000 nam giới ở bang Punjab trong độ tuổi từ 15 đến 35 đã từng dùng một loại ma túy.

Nơi sử dụng lượng phân bón hóa học cao nhất ở Ấn Độ

Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề của bang Punjab, một bộ phim mới có tên là “Toxization” của đạo diễn Rehmat Rayatt và Leva Kwestany đã được sản xuất. “Toxization” kể câu chuyện cảm động của những người nông dân ở Punjab trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đạo diễn Rayatt cho biết: “Chính những người nông dân đang đầu độc cơ thể và đất đai của họ. Bộ phim của chúng tôi tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc lạm dụng hóa chất với thiệt hại trong nông nghiệp, đẩy nông dân vào nợ nần và nghiện ma túy”. 

Punjab là nơi sử dụng lượng phân bón hóa học cao nhất ở Ấn Độ. Nhiều loại thuốc trừ sâu phun trên cây trồng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại I vì độc tính cao và bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Âu. Một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc lạm dụng hóa chất đã ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm, nước và đất của bang Punjab, tàn phá sức khỏe cộng đồng. 

Balbir Singh, một người nông dân thừa nhận rằng, có sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp. “Chúng tôi biết rằng, sử dụng phân bón hóa học là chúng tôi đang giết chết đất đai và cuộc sống nhưng chúng tôi không biết làm gì nếu thiếu chúng”, Balbir Singh nói. Được biết, đầu năm nay, chính quyền bang Punjab, đã cấm 20 loại thuốc trừ sâu được coi là có hại cho sức khỏe con người. 

Punjab không phải là bang duy nhất ở Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp. Trước tình thế khẩn cấp, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập các trung tâm nghiên cứu tác hại của việc sử dụng hóa chất, cung cấp thông tin, hướng dẫn cho nông dân cách giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, các trung tâm này hoạt động hình thức, không hiệu quả vì thiếu thốn cơ sở vật chất và trình độ nhân viên kém.