"Hố sâu" nhập cư trong lòng châu ÂU

ANTD.VN - Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang hết sức bế tắc trước việc tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư kéo dài nhiều năm qua.

EU đang bế tắc trong việc tìm giải pháp cải cách chính sách nhập cư để giải quyết dòng người nhập cư đổ vào

Càng gần tới Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong hai ngày 28 và 29-6 tới, các nước thành viên lại càng rốt ráo trong việc thương thảo để tìm cách cải cách hệ thống chính sách về người nhập cư và tị nạn trong nỗ lực tiến tới một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh này. Không sớm tìm ra cách thức để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư thì bất đồng trong vấn đề này sẽ trở thành “hố âu” gây chia rẽ sâu sắc trong lòng liên minh gồm 28 thành viên vốn đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Người nhập cư và người tị nạn vốn là vấn đề đau đầu với EU từ nhiều thập kỷ nay bởi với sự phát triển và thịnh vượng của mình, EU từ lâu đã được xem là “miền đất hứa” đối với những người dân nghèo đói ở các vùng xung đột Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Làn sóng tị nạn bùng lên thành làn sóng người khổng lồ đổ vào châu Âu khi mà nhiều nước ở Trung Đông và châu Phi biến thành “lò lửa” chiến tranh và xung đột khiến hàng chục triệu người phải bỏ nhà cửa chạy loạn.

Trước đây, khi người tị nạn chạy tới các nước thành viên chưa thành cuộc khủng hoảng, EU đã ký kết Hiệp ước Dublin quy định rằng người nước ngoài phải nộp đơn xin tị nạn ở bất kỳ nước EU nào mà họ đặt chân đầu tiên khi vào khối này. Tuy nhiên, khi dòng người tị nạn hàng triệu người ồ ạt tràn vào châu Âu do các cuộc chiến tranh và xung đột ở châu Phi và Trung Đông thì quy định này trở nên bất cập bởi các nước “tiền tuyến” như Hy Lạp và Italy không thể nào “chứa” nổi cả trăm nghìn người tị nạn đổ vào mỗi năm.

Trước sự bất hợp lý của Hiệp ước Dublin, các thành viên EU trong khi chưa thống nhất về hiệp ước mới thay thế đã tạm thông qua một chương trình vào năm 2015, yêu cầu các thành viên khác chia sẻ gánh nặng để tái định cư hàng trăm nghìn người tị nạn đang vạ vật thời gian dài trong các trại tị nạn quá tải ở Hy Lạp và Italy. Tuy nhiên, chỉ có một số ít thành viên, đặc biệt là Đức, mở cửa tiếp nhận người tị nạn, trong khi nhiều quốc gia khác, nhất là các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary… vẫn quyết đóng chặt biên giới, không chấp nhận bất cứ người tị nạn nào vào lãnh thổ.

Cuộc thương lượng giữa các thành viên EU nhằm cải cách Hiệp ước Dublin lỗi thời suốt nhiều năm qua để làm cơ sở pháp lý giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn, nhập cư đến nay vẫn lâm vào bế tắc bởi mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc giữa những nước phía Nam bờ Địa Trung Hải - cửa ngõ của dòng người nhập cư đến từ Trung Đông và châu Phi, và các quốc gia Đông Âu từ chối tiếp nhận một phần người di cư. Các quốc gia Đông Âu quyết phản đối sức ép từ những “ông lớn” trong liên minh như Đức, Pháp… đòi họ phải tiếp nhận một lượng người nhập cư nhất định.

Tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được, các thành viên EU đang thảo luận về một đề xuất mới mà thay vì nghĩa vụ phải tiếp nhận người nhập cư, họ có thể tiếp nhận những trường hợp được lựa chọn cẩn thận từ bên kia đại dương hoặc trả 30.000 euro cho mỗi trường hợp người xin tị nạn mà họ từ chối lại được quốc gia khác trong EU tiếp nhận. Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary đến nay vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ hạn ngạch nhập cư bắt buộc nào và một nhà ngoại giao tham gia quá trình đàm phán cho rằng ý tưởng này là “hoàn toàn không chấp nhận được”.

Từ nay tới Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6 tới, các thành viên liên minh sẽ còn có những cuộc thương lượng vào giữa tháng 5 này ở cấp quan chức cấp cao và đầu tháng 6 ở cấp bộ trưởng. EU đang cố vượt qua “các cuộc đàm phán dù nhạy cảm và khó khăn” để vấn đề nhập cư không trở thành “hố sâu” gây chia rẽ ngay trong lòng liên minh.