Hé lộ thông tin về chiến binh khét tiếng mang tên “Thánh chiến John"

ANTĐ - Thông tin về “Thánh chiến John” – chiến binh khét tiếng xuất hiện trong hàng hàng loạt video chặt đầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, mới đây đã được tiết lộ.

Chiến binh này có tên là Mohammed Emwazi, là một người Anh, sinh ra ở thành phố Kuwaiti vào năm 1988. Trước đây, Emwazi từng bị các cơ quan an ninh của Anh điều tra và truy bắt. Họ quyết định không để lộ tên thật của “thánh chiến John” vì các hoạt động an ninh.

Emwazi lần đầu tiên xuất hiện trong một đoạn video hành quyết nhà báo người Mỹ James Foley, vào tháng 8-2014. Sau đó, tên này nhiều lần xuất hiện trong hàng loạt các video chặt đầu nhà báo Mỹ Steven Sotloff, nhân viên cứu trợ Anh David Haines, lái xe taxi người Anh Alan Henning, và nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman Kassig, người còn được gọi là Peter.

Thánh chiến John- người xuất hiện trong hàng loạt video hành quyết con tin của IS

Trong mỗi video, chiến binh khét tiếng của IS xuất hiện trong một bộ trang phục màu đen, đội mũ balaclava che kín mặt. Bằng giọng người Anh, “thánh chiến John” chế giễu các cường quốc phương Tây trước khi cầm dao kề sát cổ con tin chuẩn bị hành quyết. Đoạn phim thường bị ngắt lại và sau đó tiếp nối bằng hình ảnh thi thể của các nạn nhân. Hồi đầu tháng này, chiến binh John cũng có mặt trong video xử tử nhà báo Nhật Bản Kenji Goto.

Các con tin được IS phóng thích cho biết Emwazi là một trong 4 chiến binh thánh chiến người Anh, làm nhiệm vụ canh giữ các tù nhân phương Tây. Họ được biết đến với các biệt hiệu “John”, “Paul”, “George”, “Ringo” và được gọi chung là “The Beatles”.

Các con tin bị IS chặt đầu (theo chiều kim đồng hồ: James Foley, Abdul-Rahman (Peter) Kassig, Alan Henning, Kenji Goto và Steven Sotloff)

Bạn bè của Emwazi nói rằng hắn lớn lên trong một tầng lớp trung lưu ở phía tây London và học lập trình máy tính tại Đại học Westminster. Hắn thường xuyên cầu nguyện trong một nhà thờ Hồi giáo ở Greenwich. Trường đại học cũng khẳng định Emwazi đã rời trường 6 năm trước và nói thêm rằng “Nếu các cáo buộc này là sự thật”, họ thực sự bị sốc.

Theo tờ Washington Post, bạn bè của Emwazi tin rằng "sát thủ" này bắt đầu theo chủ nghĩa cực đoan sau khi đi du lịch đến Tanzania hồi tháng 5-2009, vừa kết thúc khóa học tại trường Westminster.

Emwazi cùng 2 người bạn đã lên kế hoạch để tham gia các nhóm cực đoan, nhưng khi vừa đặt chân xuống Dar es Salaam, thành phố lớn nhất của Tanzania cả hai đã bị cảnh sát bắt và giam giữ qua đêm.

Một tài liệu của tòa án Anh cho biết Mohammed Emwazi là một phần trong mạng lưới cực đoan liên quan đến al-Shabab

Sau đó, Emwazi đã bay đến Amsterdam, Hà Lan và chính thức bị nhân viên tình báo của Tổng cục An ninh Anh (MI5 ) buộc tội cố gắng sang Somalia tham gia vào nhóm thánh chiến Al-Shabab. Trước khi được phép bay về Anh, Emwazi đã chối bỏ lời buộc tội và nói rằng các công ty máy tính đang tuyển dụng anh ta.

Sau đó, Emwazi làm việc trong một công ty máy tính ở Kuwait. Tuy nhiên, trong một chuyến đi đến London vào năm 2010, hắn bị các quan chức chống khủng bố của Anh bắt giữ và ngăn bay trở lại Kuwait. Theo hồ sơ điều tra, giới chức an ninh Anh cho biết, Emwazi lọt vào tầm ngắm của các dịch vụ an ninh Anh – Mỹ khi sang Syria và liên hệ với một người đàn ông thuộc nhóm khủng bố al-Shabab.

Trong một email viết vào tháng 6-2010, được trích dẫn trên tờ Washington Post, Emwazi đã viết rằng: “Tôi đã có một công việc và có thể bắt đầu một cuộc hôn nhân. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy như một tù nhân bị nhốt trong cái lồng của London, bị các nhân viên an ninh điều khiển. Tôi sẽ dừng lại cuộc sống ở nơi đây”.

Theo The Washington Post, Emwazi được cho là đã đi tới Syria vào khoảng năm 2012 và sau đó gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Hiện tại, cảnh sát Anh chưa đưa bất cứ bình luận nào trước các báo cáo điều tra về “thánh chiến John”.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh David Cameron đã không xác nhận hay phủ nhận thông tin cho rằng Emwazi là “thánh chiến John”, ông chỉ nói rằng cảnh sát và cơ quan an ninh của Anh đã làm việc cật lực để tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của các con tin người Anh.

Trong khi đó, phóng viên BBC Rajini Vaidyanathan ở Washington nói rằng, FBI đã lên tiếng xác nhận rằng họ biết “thánh chiến John” là ai từ hồi tháng 9-2014. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ sẽ không để lộ tên thật vì điều này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho việc tìm kiếm và đưa "thánh chiến John" ra trước công lý.