Hé lộ thế lực ngầm ngăn cảnTổng thống Mỹ Jimmy Carter rút quân khỏi Hàn Quốc

ANTD.VN - Sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tháng 6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất rút 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải phản đối gay gắt của các thế lực mà Tổng thống gọi là “Nhà nước ngầm”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thể hiện ý định muốn rút quân khỏi Hàn Quốc 

Không phải riêng trường hợp Tổng thống Donald Trump vấp phải thế lực ngầm ngăn cản bước tiến quan trọng trong quan hệ với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào cuối những năm 1970 cũng đã bị Quốc hội, Lầu Năm Góc, cộng đồng tình báo và một số bên khác ngăn cản thực hiện chính sách rút quân mà ông đã nhiều lần hứa hẹn trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình năm 1976. Diễn biến của vụ này như thế nào? Trang tin The diplomat.com đã có bài viết thông tin chi tiết về nỗ lực bất thành này của vị Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ.

Rút quân để giảm chi tiêu quân sự

Năm 1976, 2 lính Mỹ đã bị các binh lính Triều Tiên giết hại bằng rìu trong khu phi quân sự. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm đó, ứng cử viên Jimmy Carter đã nhiều lần bày tỏ mong muốn rút 40.000 lính Mỹ, trong số đó chỉ có 15.000 lính chiến đấu khỏi Hàn Quốc, nơi họ đóng vai trò như một lực lượng tiền tiêu để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Triều Tiên. 

Ý định rút quân càng được củng cố khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc thời đó là Tổng thống Park Chung-hee đã có nhiều việc làm không được lòng Washington. Quả thực, cựu Tổng thống Park Chung-hee là một nhân vật khét tiếng về các vi phạm nhân quyền, người đã bỏ tù và tra tấn các đối thủ chính trị. Cũng năm 1976, Seoul trực tiếp dính líu tới vụ việc sau này được biết đến với cái tên “Koreagate”, một vụ bê bối chính trị trong đó các nhà vận động hành lang Hàn Quốc cố gắng hối lộ các nghị sĩ Quốc hội Mỹ để giành được lợi thế cho các lợi ích của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, động lực mạnh mẽ nhất khiến cho ông Carter mong muốn rút quân bao gồm kìm hãm chi tiêu quân sự - như cách ông gọi là cắt bỏ phần không cần thiết - cũng như di sản thất bại từ Chiến tranh Việt Nam mới vừa xong đã khiến công chúng Mỹ cảnh giác trước bất cứ cam kết quân sự nào ở nước ngoài.

Sau khi nhậm chức vào tháng 1-1977, qua một biên bản ghi nhớ của Tổng thống kêu gọi có “cắt giảm trong mức độ lực lượng Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”, ông Carter lập tức yêu cầu lập kế hoạch cho việc rút toàn bộ lính trên bộ của Mỹ, chỉ trừ các yếu tố không quân và hậu cần, ra khỏi Hàn Quốc cùng với khoảng 700 vũ khí hạt nhân được triển khai tại nước này.

Tổng thống Carter công bố biên bản ghi nhớ mà không tham khảo ý kiến của Hàn Quốc, mặc dù ông đã cử Phó Tổng thống Walter Mondale tới Nhật Bản vào tháng 1-1977 để tham khảo ý kiến của Chính phủ Nhật Bản về chủ đề này. Đương nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda không đồng ý với kế hoạch này vì gây bất lợi cho Nhật Bản.

Kế hoạch cắt giảm được 2 tỷ USD này được gửi tới Hàn Quốc vào tháng 2-1977. Chính quyền của Tổng thống Park Chung-hee đặc biệt tức giận và coi đây là hành động bỏ rơi đồng minh của Mỹ cho dù Mỹ cố gắng xoa dịu bằng hứa hẹn thêm viện trợ quân sự và tín dụng.

Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (phải) tiễn Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến máy bay trực thăng sau 2 ngày đàm phán tại Hàn Quốc ngày 29-6-1979

Điểm mặt những thế lực ngầm

Tuy nhiên, không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản phản đối các kế hoạch của Tổng thống Carter mà ngay cả  các thế lực liên quan đến chính sách ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là cộng đồng quốc phòng và tình báo cũng như Quốc hội Mỹ, cụ thể là các thành viên trong Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quân lực Thượng viện, đều kịch liệt phản đối các kế hoạch rút quân này. Các mối quan ngại và lý do không thể rút quân đều xoay quanh 2 quan điểm chính: Một là rút quân sẽ giảm khả năng răn đe thông thường của Mỹ tại Đông Á và hai là Mỹ sẽ mất uy tín với đồng minh và đối tác tin cậy.

Không chỉ giới tình báo và chính trị, ngay cả quân đội cũng phản đối kế hoạch rút quân. Tháng 5-1977, Thiếu tướng John K. Singlaub, Tham mưu trưởng lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã trả lời phỏng vấn về chính sách đối với Hàn Quốc của Tổng thống Jimmy Carter trên tờ The Washington Post. Tướng John K. Singlaub dự đoán một sự sụp đổ trong răn đe thông thường khi lưu ý rằng “nếu lực lượng trên bộ của Mỹ rút đi theo như lịch trình cho thấy, nó sẽ dẫn đến chiến tranh”. Kết quả là Tổng thống Carter ngay lập tức chuyển ông Singlaub sang nhiệm vụ khác. 

Tuy nhiên, để trì hoãn quyết định cuối cùng của Tổng thống, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã thúc đẩy một kế hoạch rút quân theo từng giai đoạn trong 4 đến 5 năm. Với tư cách tướng chỉ huy của USFK, Tướng John Vessey Jr. đã nhấn mạnh vào năm 1977: “Quyết định của Tổng thống Carter dựa trên một tầm nhìn về tương lai, về một Hàn Quốc trong 4 hoặc 5 năm tới kể từ bây giờ, trong đó nước này sẽ không còn cần tới lực lượng trên bộ của Mỹ”. 

Phản đối có sức nặng nhất phải kể đến công trình của nhà phân tích tình báo John Armstrong, một sĩ quan lục quân làm việc cho Biệt đội nghiên cứu đặc biệt của Lục quân Mỹ tại Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), người đã buộc cộng đồng tình báo Mỹ phải đánh giá lại các ước đoán của họ về sức mạnh quân sự thông thường của Triều Tiên dựa vào kết quả nghiên cứu của ông. Nhà phân tích này tính toán rằng, lực lượng xe tăng của Triều Tiên được cho là lớn hơn 80% so với ước tính trước đó. Kết quả là một sự đồng thuận đã dần nổi lên trong cộng đồng tình báo Mỹ rằng Triều Tiên chiếm ưu thế quân sự trước Hàn Quốc, bởi thế những người ủng hộ duy trì lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đi đến lập luận vững chắc khi phản đối chính sách rút quân của Tổng thống.

Quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ

Tổng thống đơn độc với kế hoạch rút quân

Đương nhiên, Tổng thống Mỹ hoài nghi với kết luận của cộng đồng tình báo. Ông đã cho rằng: “Kết luận này thật ngớ ngẩn”. Tuy vậy, kế hoạch rút quân của Tổng thống cuối cùng đã thất bại khi đa số trong giới quyền uy, vốn có ảnh hưởng tới bộ máy hành chính dẫn tới việc thực hiện bất kỳ chỉ thị chính sách nào từ Nhà Trắng về việc rút quân, không lay chuyển ý kiến phản đối của mình. Cuối cùng, Tổng thống Carter gần như đơn độc trong mong muốn rút binh sĩ Mỹ về nước.

Vào tháng 8-1977, bằng sự tấn công từ nhiều phía, “Nhà nước ngầm” đã buộc ông Jimmy Carter miễn cưỡng ký thông qua Đạo luật phê chuẩn ngân sách quan hệ đối ngoại năm tài chính 1978, trong đó bao gồm điều khoản: “Chính sách của Mỹ đối với Hàn Quốc nên tiếp tục là kết quả của quyết định chung giữa Tổng thống và Quốc hội; bất kỳ việc thực hiện chính sách nào về việc từng bước rút quân khỏi Hàn Quốc của Tổng thống phải phù hợp với các lợi ích an ninh của Hàn Quốc và lợi ích của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là Nhật Bản...”.

Ông Carter đã thất bại khi tái ứng cử vào năm 1980 và việc xem xét lại đề xuất rút quân Mỹ đã không bao giờ diễn ra.  Cho tới nay, ông Jimmy Carter vẫn hoài nghi về đánh giá của cộng đồng tình báo, như ông đã viết vài năm trước: “Có những mối quan hệ rất chặt chẽ giữa các lãnh đạo quân sự tại hai quốc gia Mỹ và Hàn Quốc hay các áp lực đến từ Lầu Năm Góc và CIA trong quá trình hoạch định chính sách. Tôi phần nào hoài nghi về các báo cáo tình báo rằng Triều Tiên đã tăng gấp đôi quy mô quân đội của nước này trong vòng vài năm, nhưng không có cách nào để bác bỏ chúng”.

Do đó, bất kỳ Tổng thống nào của Mỹ trong tương lai gần muốn xem xét việc rút lính Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên thì việc tham khảo số phận các kế hoạch rút quân của cựu Tổng thống Jimmy Carter những năm 1977-1979 cũng là bài học kinh nghiệm không thể bỏ qua.