Hé lộ điệp vụ liên quan đến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

ANTD.VN - Tôn Ba, cựu Tổng Giám đốc công ty phụ trách xây dựng 2 tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang bị xét xử ở Thượng Hải về tội tham nhũng và chia sẻ bí mật quân sự cho đặc vụ nước ngoài. Tổn thất trong vụ việc chưa rõ ràng, nhưng chắc hẳn nó ảnh hưởng đến danh tiếng của Bắc Kinh.

Hé lộ điệp vụ liên quan đến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc ảnh 1Cựu Tổng Giám đốc công ty phụ trách xây dựng 2 tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang hầu tòa

Cú “ngã ngựa” của lãnh đạo tập đoàn đóng tàu quân sự 

Tôn Ba, sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học công nghệ Đại Liên năm 1982 sau đó có 27 năm làm việc cho Công ty công nghiệp tàu thủy Đại Liên. Sau này, ông được đề bạt làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc (CSIC), tương đương với cấp Thứ trưởng. Tuy nhiên, vào tháng 6-2018, ông Tôn Ba bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố bắt giữ vì “nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. “Là một cán bộ cấp cao và giữ trách nhiệm lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước, ông Tôn Ba đã lạm dụng quyền lực của mình và không trung thành với Đảng Cộng sản”, thông cáo của Ủy ban cho biết.

Mặc dù Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương không nêu tội danh cụ thể đối với ông Tôn Ba, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, người này đã lạm dụng quyền lực của mình trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh của tập đoàn CSIC và kết quả là nhà nước phải chịu tổn thất lớn.

Tập đoàn CSIC, một trong 10 nhà máy hàng đầu của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Trung Quốc, đã vượt qua các đối thủ vào đầu những năm 2000 trong trúng thầu cải tạo một tàu sân bay cũ được mua từ Ukraine. Hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận tàu sân bay này, đổi tên thành Liêu Ninh vào năm 2012. Trong khi đó, CSIC tiếp tục đóng tàu sân bay thứ hai, một bản sao của Liêu Ninh dự kiến có thể được đưa vào hoạt động vào năm 2019. Một tàu sân bay lớn thứ ba đang được chế tạo tại một xưởng đóng tàu riêng ở Thượng Hải.

Sau khi Tôn Ba bị bắt vào mùa hè năm ngoái, ông này nhanh chóng bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyển sang cơ quan tư pháp để truy tố. Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm 1-2, Tòa án tại Thượng Hải chính thức cáo buộc ông Tôn Ba tội danh tham nhũng và lạm quyền.

Tờ South China Morning Post, một tờ báo độc lập có trụ sở tại Hồng Kông, dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng ông Tôn Ba cũng bị buộc tội gặp gỡ các đặc vụ nước ngoài và mang theo bí mật quân sự. Hiện chưa rõ quốc tịch của các đặc vụ cũng như tài liệu bí mật đó là gì. “Không gì có thể cứu được Tôn Ba nếu ông ta bị kết án chia sẻ bí mật của tàu sân bay Liêu Ninh. Vụ này thực sự rất lớn!”, Jeffrey Wasserstrom, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California Irvine nói.

Trung Quốc lo “mất mặt” khi bí mật bị tiết lộ

Sự việc được dư luận đặc biệt chú ý bởi Liêu Ninh và 2 tàu “chị em” của nó không chỉ là tàu sân bay, tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc mà còn là đối tượng rất được quan tâm của công chúng. Tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động cho thấy Trung Quốc là một cường quốc thế giới, thậm chí còn truyền cảm hứng cho một trào lưu ở nước này với những người hàng ngày chụp ảnh với động tác của những người giám sát việc phóng máy bay của tàu sân bay. “Trào lưu đó thể hiện khát vọng thành công, vươn tới tiêu chuẩn thế giới và sự công nhận vốn đã bị lảng tránh từ lâu của Trung Quốc”, chuyên gia hải quân Andrew Erickson và Gabe Collins viết trên tờ Wall Street Journal.

Vì thế, có thể không đơn thuần là việc lãnh đạo tập đoàn CSIC tham nhũng mà nghiêm trọng hơn là ông ta đã phản bội một trong những dự án hải quân quan trọng nhất của Trung Quốc. Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts M. Taylor Fravel cho rằng việc bắt giữ Tôn Ba có thể là một bài học răn đe đối với các giám đốc điều hành khác trong ngành công nghiệp quân sự nước này.

Sâu xa hơn, ngay cả khi được nâng cấp gần đây, Liêu Ninh - biểu tượng cho một Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc - vẫn chỉ được hải quân Trung Quốc coi tàu là tàu huấn luyện, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ lưu ý trong báo cáo hồi tháng 1-2019. Về tính năng, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc không phải là đóng mới, khá nhỏ, lại thiếu các thiết bị cảm biến phức tạp hay máy phóng máy bay hạng nặng và tốc độ thua kém so với đội tàu sân bay 11 chiếc của hải quân Mỹ. Bởi thế, chính quyền Bắc Kinh sẽ lo ngại trước những tổn hại về mặt danh tiếng khi bí mật của con tàu lộ ra. 

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ năm 2012 đã dẫn đến việc bắt giữ 110.000 trong số khoảng 90 triệu đảng viên, nhưng trong các đại án tham nhũng thì chưa đầy 1/5 liên quan đến các quan chức quân đội. Ngoài vụ đình đám gần đây nhất là ông Tôn Ba - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, có thể kể ra hồi năm 2007, một đô đốc tên Wang Shouye đã bị bắt vì tham ô 25 triệu USD tiền quỹ quân đội và nhận lại quả từ các nhà thầu. Trong năm 2014, Xu Caihou, một vị tướng đã nghỉ hưu, bị bắt vì “chạy chức” trong hàng ngũ lãnh đạo quân đội nhưng sau đó ông ta chết vì ung thư trước khi hầu tòa.