Hé lộ chuyện "mua ghế" trong chính trường Mỹ

ANTD.VN - Sau khi tiết lộ những tài liệu cho thấy Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) âm mưu gạt ứng viên Tổng thống Bernie Sanders và dồn sức cho Hillary Clinton, tin tặc khét tiếng Guccifer lại vừa hé lộ chuyện bổ nhiệm hàng loạt vị trí quan trọng trong Chính phủ Mỹ dựa trên tiền của các nhà tài trợ giàu có. 

Tốn kém để làm Đại sứ, Trợ lý Bộ trưởng 

Trong 500MB dữ liệu được tin tặc Guccifer chia sẻ có chi tiết thông tin liên lạc lẫn các khoản đóng góp của 100.000 nhà tài trợ cho DNC. Trong số này, có nhiều nhà tài trợ lớn nhất của DNC đã nhận được các vị trí chính trị hoặc ngoại giao trong chính quyền, đa số là Đại sứ, còn lại một số đảm nhận chức vụ Trợ lý Bộ trưởng.

Matthew Berzun, cựu Giám đốc điều hành Công ty Truyền thông CNET Networks đã đóng góp cho DNC 1.907.100USD cũng như 1.174.430USD cho Quỹ Hành động của ông Barack Obama (OFA), được bổ nhiệm làm Đại sứ ở Anh. Ông Kirk Wagar dường như đã góp 825.000USD cho DNC và 1.300.000USD cho OFA, rồi sau đó được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ ở Singapore.

Tài liệu rò rỉ cũng cho thấy, luật sư Julius Genachowski góp 792.650USD cho DNC và 2.628.169USD cho OFA, ông này sau đó được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) trong thời gian từ năm 2009 tới 2013. Tờ The New York Times, khi đưa tin về việc ông Barack Obama đề cử luật sư Julius Genachowski vào chức Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang hồi năm 2009, không quên lưu ý rằng ngoài vai trò là người gây quỹ cho ông Obama tranh cử vào ghế Tổng thống, Julius từng là đồng đội thân thiết trên sân bóng rổ với ông ở Đại học Harvard.

Trong khi đó, Frank Sanchez góp 3.415.000USD cho DNC, OFA và chiến dịch liên bang tổng hợp, được làm Thứ trưởng Thương mại. Bình luận về thông tin trên, quyền Chủ tịch DNC Donna Brazile cho biết DNC là nạn nhân của một tội ác và đó là hành động của các tin tặc được Nga bảo trợ. Theo quan chức này, các tài liệu rò rỉ vẫn đang được đội ngũ pháp lý của DNC kiểm chứng tính xác thực, vì tin tặc Nga thường làm giả giấy tờ.

Ngược lại với quan điểm đổ lỗi cho các tin tặc dưới sự bảo trợ của Nga, cựu nghị sĩ Mỹ Dennis Kucinich “thú thật” với Sputnik rằng: “Thật không may, nước Mỹ có một hệ thống chính trị khuyến khích việc trả tiền để tham gia cuộc chơi và người nào đóng góp nhiều tiền thường được trao cho vị trí quan trọng trong Chính phủ. Việc đó cho thấy khuyết điểm trong hệ thống của nước Mỹ, nơi tiền đánh bại mọi thứ và mọi thứ đều được đem bán”. 

Tỷ phú Trung Quốc đóng góp lớn cho Quỹ Clinton 

Mới đây, tờ New York Times cho biết, tỷ phú Wang Wenliang là một trong số 45 đại biểu Quốc hội tỉnh Liêu Ninh bị khai trừ khỏi Quốc hội Trung Quốc trong vụ án chấn động mua chuộc phiếu bầu trung tuần tháng 9 vừa qua. Tỷ phú Wang Wenliang là công dân Trung Quốc nhưng có giấy phép cư trú hợp pháp ở Mỹ, là người kiểm soát một đế chế xây dựng khổng lồ với lợi ích trên toàn cầu, kể cả ở Mỹ. Theo các nguồn tài liệu, một trong những công ty của ông có tên Rilin Enterprises đã quyên góp 2 triệu USD cho Quỹ Clinton năm 2013.

Cùng năm đó, một công ty khác của ông là Dandong Port Co. đóng góp 120.000USD cho đồng minh lâu đời của gia đình bà Clinton là Terry McAuliffe khi ông này tranh cử Thống đốc bang Virginia. Sự liên quan giữa ông McAuliffe với Wenliang được cho là tâm điểm một cuộc điều tra liên bang. Kênh CNN hồi tháng 5-2016 cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét liệu các khoản quyên góp của ông Wenliang cho ông McAuliffe có vi phạm luật liên bang hay không.

Cũng có một số bằng chứng cho thấy việc đóng góp của ông Wenliang cho Quỹ Clinton đã dẫn tới việc tham khảo điều tra của FBI. Kênh CNN đưa tin hồi tháng 8-2016, FBI và 3 văn phòng của Bộ Tư pháp đã khuyến nghị mở điều tra về các khoản quyên góp của một nhà đầu tư nước ngoài cho Quỹ Clinton. FBI đã nhận được tin báo về hoạt động đáng ngờ của một ngân hàng không nêu tên. CNN không cho biết tên của nhà đầu tư nước ngoài.

Wenliang còn có mối liên hệ khác với bà Clinton thông qua Bộ Ngoại giao. Một cuộc điều tra của tờ Daily Caller phát hiện ra rằng Công ty Dandong Port của Wenliang đã vận động Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu năm 2013 về việc cấp visa có chọn lọc cho các du khách tới Mỹ. Công ty Trung Quốc này đã trả 120.000USD cho McGuireWoods, một công ty tư vấn ở Washington DC và công ty Mỹ đã thuê một số nhà vận động hành lang để những người này chi hàng trăm nghìn USD cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Clinton.

Khi cuộc điều tra về ông McAuliffe lần đầu được tiết lộ, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ phủ nhận việc quen biết tỷ phú Wenliang, nhưng các video được tung ra ngay sau đó cho thấy ông tới buổi tiệc gây quỹ năm 2013 của bà Clinton với nhà tỷ phú Trung Quốc này.

Các ứng cử viên vào những vị trí tại các cơ quan chính quyền ở Mỹ dựa vào 4 nguồn tài chính để tranh cử: cá nhân công dân trực tiếp quyên góp tiền; các đảng chính trị của họ; các nhóm lợi ích, thường thông qua các Ủy ban hành động chính trị (PACs); các nguồn của cá nhân hoặc gia đình họ và quỹ công để sử dụng trong một số cuộc bầu cử. 

Theo truyền thống, các đảng chính trị và nhóm lợi ích tập trung nguồn lực vào đóng góp tài chính cho các ứng viên. Họ chi tiền tiếp xúc với cử tri, vừa thuyết phục cử tri thông qua các hoạt động quảng cáo, thư tín và đảm bảo rằng cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Trong các cuộc bầu cử hiện nay, các đảng chính trị và các nhóm lợi ích đều đóng góp tiền cho các ứng cử viên được ủng hộ và chi tiền trực tiếp hơn để tối đa hóa ảnh hưởng của họ đối với kết quả bầu cử. Hiện tượng này làm cho việc theo dõi luồng tiền tệ trong các cuộc bầu cử trở nên khó khăn và khiến các nhà hoạch định chính sách gặp thách thức đặc biệt để tìm cách kiểm soát nguồn tiền nằm ngoài sự quản lý trực tiếp của các ứng cử viên.