Hé lộ bí mật thương vụ mua bán xe tăng "khủng" trị giá 3,6 tỷ USD qua một nhà môi giới Ả-rập

ANTD.VN - Cuộc nội chiến ở Yemen đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tham gia vùng chiến sự nóng bỏng này có những chiếc xe tăng được Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) được điều đến. Vậy những chiếc xe tăng đó đến với bán đảo Ả-rập như thế nào? Trang WikiLeaks mới đây đã cung cấp một tài liệu hiếm hoi, hé mở bức màn quanh thương vụ mua bán lô vũ khí quốc tế này.

Những chiếc xe tăng Leclerc do Pháp sản xuất xuất hiện tại Yemen tháng 8-2015

Tài liệu này chỉ có Hãng tin Der Spiegel cùng với Tạp chí điều tra trực tuyến Pháp Mediapart và tờ báo Italia La Repubblica được cấp quyền truy cập sớm. Theo Spiegel, lữ đoàn tăng Leclerc của UAE lần đầu tiên được triển khai tới Yemen 3 năm trước. Vào đầu tháng 8-2015, chúng đã di chuyển theo đường cao tốc N1 của Yemen, tiến về phía Bắc đến Căn cứ Không quân Al Anad. Chỉ vài ngày sau, quân đội Yemen với sự trợ giúp của đoàn tăng UAE đã đánh bại phiến quân Houthi, giành lại căn cứ quân sự nói trên.

UAE từng bỏ ra hơn 3 tỷ USD để mua 436 xe tăng Leclerc và các loại xe bọc thép khác từ nhà sản xuất Giat - doanh nghiệp Nhà nước của Pháp, hiện giờ là một phần liên doanh Pháp - Đức Nexter. Đáng chú ý, đây là một thương vụ mua bán vũ khí “khủng” với tỷ lệ hoa hồng lên đến con số 235 triệu USD. Trong số đó, 195 triệu USD từ Giat đã được chuyển qua một công ty đăng ký thành lập ở quần đảo Virgin thuộc Anh tới tài khoản của một doanh nhân bí ẩn người Ả-rập có tên Abbas Ibrahim Yousef Al Yousef.

Dựa trên hợp đồng bán xe tăng Leclerc cho UAE, Hãng lắp ráp Giat và nhà môi giới Yousef đã đồng ý mức hoa hồng 6,5%, tương đương 235 triệu USD. Các nhà quản lý của công ty vốn sở hữu nhà nước Pháp đã thường xuyên gửi thanh toán cho ông Yousef nhưng đến tháng 3-2000, con số dừng lại ở khoản 195 triệu USD. Không đồng ý với mức này, doanh nhân Yousef đệ đơn lên Tòa trọng tài ở Pháp và yêu cầu được trả 40 triệu USD còn lại. Trong vụ kiện, ông này đã hé lộ một số chi tiết nhạy cảm. Đáng nói là phiên tòa xử kín nhưng mãi gần đây, người ta mới biết đến một phần nội dung vụ việc nhờ tài liệu được cung cấp dưới dạng nặc danh cho WikiLeaks.

Thương vụ “khủng” trị giá 3,6 tỷ USD

Trở lại với thương vụ mua xe tăng Leclerc, Tổng thống UAE khi đó là ông Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan muốn những chiếc xe tăng mới của mình có động cơ tương tự như chiếc Leopard 2 của Đức, bởi họ chỉ tin tưởng động cơ của Đức nên thậm chí còn trả thêm chi phí phát triển khoảng 9 triệu Euro. Theo đó, số động cơ này đến từ Đức, được sản xuất bởi Liên minh Motoren und Turbinen (MTU) tại TP Friedrichshafen bên bờ hồ Constance. Hộp số đến một Công ty có tên Renk AG ở Augsburg. Ông Yousef nói với Tòa trọng tài: “Ý tưởng này là nhằm chọn những phần tốt nhất của các sản phẩm cạnh tranh để tạo ra những chiếc xe tăng tốt nhất trên thế giới”. 

Doanh nhân Abbas Ibrahim Yousef Al Yousef được coi là một trong những người giàu nhất UAE. Giống như hầu hết mọi người trong “thế giới ngầm” buôn bán vũ khí quốc tế, ông Yousef hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Xuất thân cùng làng với cựu Tổng thống Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, người sáng lập UAE, hiện doanh nhân này cũng được cho là có quan hệ gần gũi với gia đình Tổng thống đương nhiệm. Nhà quản lý tài chính của ông này kể ông Yousef là người có nét rất phương Tây, làm môi giới cho nhiều nhà sản xuất vũ khí của Pháp tại UAE.

Nhưng vấn đề động cơ của Đức làm phức tạp thỏa thuận này. Ở Đức, việc xuất khẩu máy móc phục vụ chiến tranh phải tuân theo Đạo luật Kiểm soát vũ khí chiến tranh. Một cơ quan đặc biệt được gọi là Hội đồng An ninh Liên bang kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí quân sự và máy móc chiến tranh. Vào thời điểm diễn ra giao dịch, hội đồng gồm Thủ tướng Helmut Kohl và 7 Bộ trưởng nội các. Mặc dù hội đồng cũng cân nhắc đến việc UAE từng cử 1.000 binh sĩ tham gia chiến tranh Vùng Vịnh nhưng cuối cùng cũng chấp thuận cho việc giao động cơ ngày 8-12-1992.

Cho đến nay, đó vẫn là lần duy nhất Pháp xuất khẩu xe tăng Leclerc. UAE đã đặt hàng 388 xe tăng chiến đấu, 46 xe bọc thép, 2 phương tiện đào tạo lái xe cộng với phụ kiện trị giá 3,6 tỷ USD. Một phần đáng kể số tiền đó chảy vào Đức. MTU đã cung cấp 473 động cơ, trị giá tương đương với khoảng 150 triệu Euro hiện nay. Tuy nhiên, phát ngôn viên MTU khẳng định rằng, họ không hợp tác với nhà vận động hành lang nào cũng như từng làm việc với người có tên Abbas Ibrahim Yousef Al Yousef.

Chân dung nhà môi giới bí ẩn

Doanh nhân Abbas Ibrahim Yousef Al Yousef được coi là một trong những người giàu nhất UAE. Có một số dấu hiệu cho thấy ông Yousef đã không giữ toàn bộ số tiền hoa hồng này mà chuyển một phần cho các quan chức Ả-rập. Tài liệu của  WikiLeaks cũng nêu lên câu hỏi liệu bên mua có phải hối lộ cho bất kỳ ai ở Đức để đảm bảo cho việc xuất khẩu và chuyển giao xe tăng diễn ra suôn sẻ hay không. Trong năm 2009, ông Yousef có thừa nhận: “Tôi đã làm công tác vận động hành lang với các nhà chức trách Đức để đảm bảo về những thủ tục được sự chấp thuận hay miễn trừ cần thiết”.

Doanh nhân này dường như đã làm môi giới cho Giat và UAE từ năm 1989. Giống như hầu hết mọi người trong “thế giới ngầm” buôn bán vũ khí quốc tế, ông Yousef hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Xuất thân cùng làng với cựu Tổng thống Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, người sáng lập UAE, hiện doanh nhân này cũng được cho là có quan hệ gần gũi với gia đình Tổng thống đương nhiệm.

Thời thanh niên, ông Yousef đã từng lái máy bay chiến đấu được Công ty Dassault của Pháp sản xuất. Nhà quản lý tài chính của ông này kể ông Yousef là người có nét rất phương Tây, làm môi giới cho nhiều nhà sản xuất vũ khí của Pháp tại UAE. Là một doanh nhân, ông Yousef không chỉ giới hạn trong các giao dịch vũ khí mà còn đầu tư vào chuỗi siêu thị hữu cơ Basic AG có trụ sở tại Munich. Hiện con trai ông này đang nằm trong ban cố vấn của công ty.

Nghi vấn tham nhũng vẫn để ngỏ

Một câu hỏi đặt ra: Ai được hưởng lợi từ các khoản thanh toán từ Pháp? Chỉ có doanh nhân Yousef hay là các quan chức Chính phủ khác? Các thẩm phán ở Paris cũng muốn biết điều này. Họ kêu gọi ông Yousef và Giat giải thích mối quan hệ kinh doanh của họ chặt chẽ hơn, từ đó mới có thể đánh giá liệu ông Yousef có quyền được hưởng 40 triệu USD còn lại hay không. 

Trong phiên tòa xử kín, đại diện Giat công khai thừa nhận rằng họ biết ông Yousef, rằng ông ta đã nhận được một khoản hoa hồng trị giá 6,5% tổng giá trị hợp đồng, tương đương số tiền 234,875 triệu USD. Một điều khoản của hợp đồng là giữ bí mật, tiền không trực tiếp gửi cho nhà môi giới Yousef mà thay vào đó là công ty vỏ bọc của Kenoza Industrial Consulting & Management, nằm ở quần đảo Virgin thuộc Anh.

Đại diện Giat cũng khẳng định, một phần tiền đã được sử dụng để trả tiền hối lộ cho quan chức UAE, nhưng họ không thể tiết lộ. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2000, Pháp đã thực hiện quy định về chống tham nhũng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Khác với thời điểm trước đó, hành vi hối lộ sẽ bị điều tra và kết án tù. Các nhà quản lý Giat nói với tòa án trọng tài, kể từ đó, các khoản thanh toán cho ông Yousef không còn được xem là được phép nữa và đó là lý do tại sao họ dừng việc chuyển tiền. 

Tuy vậy, ông Yousef phủ nhận tất cả các cáo buộc tham nhũng trước Tòa trọng tài. Ông này khẳng định khoản hoa hồng ông nhận được “không được sử dụng để trả tiền cho các quan chức UAE”. Khi thẩm phán muốn có bằng chứng về việc Yousef đã làm cho Giat, ông ta không thể cung cấp bất kỳ tài liệu nào. Ông nói đã “hủy giấy tờ để bảo vệ bí mật cho Giat”. Ông này mô tả vai trò của mình như sau: “Tôi đã phát triển một mối quan hệ tốt với nhóm của Giat và dành một khoảng thời gian đáng kể với họ để tư vấn về cách giới thiệu sản phẩm một cách tốt nhất dựa trên góc độ văn hóa, tâm lý và kinh doanh của UAE”. Nhưng nhà môi giới vũ khí quốc tế này lại không muốn tiết lộ ai là đối tác đàm phán ở phía Ả-rập. 

Ông Yousef cũng khẳng định nhiệm vụ của ông ta là đảm bảo có giấy phép xuất khẩu của Đức, nhưng lại nói không gặp bất cứ chính trị gia, quan chức hay nhà vận động hành lang nào của Đức. Nghi vấn tham nhũng tại Đức khó có thể làm rõ bởi cựu Thủ tướng Helmut Kohl và những người khác tham gia vụ việc thời đó hoặc đã qua đời hoặc đều trả lời không còn nhớ gì. Tuy nhiên, rõ ràng rằng Công ty Renk AG của Đức đã trả một khoản “phí tư vấn” 2,6 triệu Euro cho các tài khoản của Thụy Sĩ thuộc về 2 nhân vật người Pháp cho hợp đồng mua bán xe tăng Leclerc. Năm 2005, một tòa án ở Paris kết án 2 người này nhiều năm tù vì tham nhũng. Cùng phiên tòa này, 2 nhân viên người Đức của Renk đã bị phạt 18 tháng tù treo và 100.000 Euro mỗi người.

Doanh nhân Yousef không cung cấp thông tin về đường dây nghi vấn tham nhũng nên bị thua trong vụ kiện hồi tháng 9-2010 của Tòa trọng tài Paris. Các thẩm phán đã từ chối đòi lại cho ông ta số tiền 40 triệu USD. Cuối cùng, Yousef còn phải trả thêm tiền án phí là 550.000 USD.