Hậu vụ bắn rơi Su-24, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi về đâu?

ANTĐ - Hành động Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga đã đưa quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và khó có thể phục hồi trong ngắn hạn.  

Hậu vụ bắn rơi Su-24, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi về đâu? ảnh 1 Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ khó khôi phục trong ngắn hạn

Khủng hoảng hiếm thấy này sẽ đi về đâu? Chủ nhiệm dự án nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông của Mỹ cho biết, sự kiện Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga đã làm hai nước lần đầu tiên đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh, mặc dù sau đó chiến tranh đã được loại bỏ, nhưng Moscow chắc chắn muốn Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá cho hành động bắn hạ máy bay của mình, mà Tổng thống Nga Putin gọi đó là “cú đâm dao sau lưng".

Tổng thống Putin luôn muốn đưa Nga trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu, do đó, ông sẽ không để cho Ankara dễ dàng phá hoại mục tiêu này của mình. Nga trừng phạt Ankara, gửi thông điệp đối với nước khác rằng, đối đầu với Nga sẽ nguy hiểm như thế nào. Nhân cơ hội này, Nga đã triển khai hệ thống phòng không tại Syria để bảo vệ các mục tiêu quan trọng của mình.

Tờ New York Times và phương tiện truyền thông khác cũng đã nhấn mạnh: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã được triển khai ở khu vực chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 50 km. Nga đã cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào trên không đe dọa đến máy bay chiến đấu của mình.

Morning News của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, ngày 28-11, Ankara đã tăng cường thêm xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí tại khu vực biên giới Syria.

Tuy nhiên, tạp chí Foreign Policy của Hoa Kỳ phân tích, Moscow và Ankara sẽ không đặt cược quan hệ của mình bằng quân sự, mặc dù cả hai bên đều đang có những bước đi hết sức cứng rắn. Giải quyết bằng quân sự sẽ không phù hợp với lợi ích của cả hai, đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hối thúc cả hai bên nên hạ nhiệt.

 

Máy bay Su-24 của Nga đang thực hiện ném bom tấn công IS

Ngày 29-11, Tưởng Thảo – Nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc nhận định, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng rất lớn từ NATO, nhưng hiện nay, phương Tây không muốn mâu thuẫn giữa Moscow và Ankara ảnh hưởng đến cục diện của cuộc chiến chống khủng bố.

Trong bối cảnh như vậy, phương Tây có thể sẽ gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, để hối thúc nước này hạ nhiệt đối với Nga. Trong thời gian tới, hai nước có khả năng sẽ có các cuộc tiếp xúc riêng tư để đạt được một thỏa hiệp mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Ngược lại, một học giả khác của Trung Quốc đã có thời gian dài sống tại Nga lại nhận xét, hiện nay, tâm trạng của người dân Nga rất căm phẫn trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, cho nên quan hệ giữa Moscow và Ankara sẽ khó khôi phục trong ngắn hạn. Trừng phạt kinh tế, là một cách thể hiện thái độ, một là để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân Nga; thứ hai, để cho Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng họ phải chịu trách nhiệm về hành động đó.

Ngày 29-11, tạp chí Der Spiegel của Đức cho biết, để ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar, Nga đã triển khai hệ thống vũ khí phòng không và lực lượng mặt đất trong lãnh thổ Syria; sử dụng các máy bay quân sự của mình để vận chuyển lực lượng quân đội chính phủ Syria đến các vùng chiến sự.

Sau sự kiện Su-24, Nga đã thực hiện một loạt các biện pháp, từ trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ; triển khai các hệ thống tên lửa phòng không ở miền bắc Syria, đến tăng gấp đôi mức độ ném bom xuống khu vực Turkmen.