Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt

ANTĐ - Đó là những bức ảnh mà nhìn vào đó, người ta có thể cảm nhận được ngay tính bất ngờ, kịch tính của một loạt sự kiện và vấn đề nóng xảy ra trong năm qua như thiên tai, cuộc khủng hoảng di cư giữa lòng châu Âu hay hiểm họa khủng bố. Nhưng không phải ai cũng biết về chuyện phía sau mỗi khoảnh khắc đáng nhớ này.

Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt ảnh 1

Ahmed, một người bán báo ở Paris nói về số phát hành hôm 14-1-2015, một tuần sau khi tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Pháp bị tấn công khủng bố.

Chỉ lo mọi việc đi quá xa

“Ngày ấn phẩm của tạp chí Charlie Hebdo hồi sinh, tôi mở cửa hàng lúc 7h sáng. Thường thì 8h sáng hàng ngày tôi mới bắt đầu làm việc nhưng hôm đó tôi linh cảm sẽ có chuyện lớn. Mỗi kỳ tôi chỉ đặt mua tạp chí đó từ 4-5 bản, nhưng hôm đó tôi đã đặt 50 bản. Khi mở cửa hàng, tôi đã thấy mọi người xếp hàng đợi sẵn. Một hàng dài khoảng 20m là những khách hàng thường xuyên của tôi, có cả khách ở nơi khác hay người tình cờ đi ngang qua. Bầu không khí rất căng thẳng. Bạn có thể cảm thấy trên khắp các con phố. Rất nhiều người mua ấn phẩm đó như là một món đồ lưu niệm. Họ bày tỏ quyết tâm bảo vệ báo chí và phản đối chủ nghĩa man rợ.

Báo chí chính là cuộc sống của tôi, cũng là kế sinh nhai của tôi nhưng hôm ấy, đôi lúc tôi thấy hơi sợ. Charlie Hebdo làm cho tôi cười, nhưng tôi cho rằng có một quy luật  là khi nói đến tôn giáo nào đó mà đi quá xa, có thể ai đó sẽ bị tổn thương”.

Một tháng vẫn chưa hết sợ

Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt ảnh 2

Anh Kaaji Bogati được kéo từ đống đổ nát ở Thamel, Nepal 

 “Là công nhân trong một công trình xây dựng khu trung tâm mua sắm mới ở Thamel, hôm đó 25-4-2015, tôi đang làm ở tầng 1 thì cảm thấy xung quanh rung lắc mạnh. Một tòa nhà bên trái sụp xuống ngay trên đầu tôi. Sau đó tôi không nhớ gì nữa. Không biết là tôi đã bị vùi dưới đống đổ nát bao lâu. Chỉ biết khi tỉnh lại, 4 ngày sau đó, tôi đang ở trong bệnh viện, thấy vợ và người thân xung quanh. Nhưng người tôi không có cảm giác gì, như thể bị liệt. Tôi đã mất rất nhiều máu do bị thương ở đầu. Vai trái của tôi đã bị trật khớp và ngón tay út bên trái không cử động được. Tôi cũng bị gãy xương sườn bên trái và đầu gối phải ngày càng sưng phồng lên. Suốt 1 tháng, vợ tôi phải dìu tôi vào phòng tắm. Đến lúc ấy, tôi vẫn sợ những cơn dư chấn”.

Uống bia với những người đàn ông quyền lực nhất thế giới

 “Chúng tôi không hề biết quán Plough Inn hôm ấy có khách quý nhưng mọi việc trở nên đặc biệt khi chúng tôi thấy xe vệ tinh, cảnh sát, an ninh. Rồi tôi thấy Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Anh đang có mặt tại quán. Bạn không có nhiều cơ hội để nói chuyện với hai trong số những người đàn ông quyền lực nhất thế giới, vì vậy tôi cứ liều xông đến. Tôi ngỏ ý mời ông Tập Cận Bình chụp chung một bức ảnh tự chụp chân dung và ông ấy trả lời “Chắc chắn rồi”. Qua phiên dịch viên, tôi nói đang muốn tìm đối tác kinh doanh ở Trung Quốc, vì vậy chúng tôi đã thảo luận làm thế nào cải thiện chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, Thủ tướng Cameron đến gần hỏi chúng tôi đang nói chuyện gì. 

Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt ảnh 3

Ông Jason Luckhurst - người tình cờ gặp Thủ tướng Anh Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở quán bar Plough Inn, Cadsden, Buckinghamshire, Anh  hôm 22-10-2015.

Trong bức ảnh, chúng tôi đang nói về cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước. Câu chuyện khá nhàm chán và không phải là chủ đề tôi thường bàn đến vào tối thứ sáu hàng tuần. Tôi cho rằng Thủ tướng Cameron là chính trị gia khá cuốn hút. Còn ông Tập Cận Bình, Chủ tịch một quốc gia có 1,35 tỷ người và là nền kinh tế hàng đầu thế giới hôm đó cũng rất dễ gần, không hề tỏ thái độ xem nhẹ hay do dự khi tôi quàng vai để chụp ảnh chân dung chung”. 

Lòng người lúc hoạn nạn

Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt ảnh 4

Nét mặt rạng ngời của các khán giả đến dự buổi biểu diễn của Eagles of Death Metal tại Nhà hát Bataclan hôm 13-11

“Khoảng 30 phút sau khi buổi biểu diễn mở màn, tôi nghe thấy những tiếng nổ. Cùng với những tiếng la hét và tiếng súng, tôi cảm nhận rõ mùi thuốc súng bốc lên đến ban công. 

Khoảng 40 hoặc 50m gần chỗ tôi cố leo ra khỏi ban công để vào một căn phòng có cửa sổ mở ra sát mái nhà. Ở đó, một người đàn ông sống tại căn hộ trên cùng của một tòa nhà trên đại lộ Voltaire, ngay cạnh Nhà hát Bataclan mở cửa sổ đón chúng tôi. Nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng những kẻ khủng bố có thể đi theo mình, vì vậy chúng tôi tắt tất cả đèn và yên lặng. Khoảng 1h30, cảnh sát tìm đến căn hộ. Chúng tôi leo xuống một cái thang ở phía sau tòa nhà. Thời khắc ấy khó khăn nhất vì thang rất cao và mọi người vẫn chưa hết choáng. Có người vừa leo xuống vừa khóc. Xuống tới mặt đất, cảnh sát thẩm vấn từng người để loại trừ bọn khủng bố trà trộn vào. Trải qua những giây phút căng thẳng đó, tôi nhớ mãi cách mà tất cả mọi người đã đoàn kết, cố gắng để giúp đỡ lẫn nhau trong đêm kinh hoàng đó”. Laurent Lafont-Battesti, nhân chứng tại Nhà hát Bataclan ở Paris đúng hôm xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 13-11-2015.

“Người hùng”  thầm lặng

Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt ảnh 5

Antonis Deligiorgis - Trung sĩ quân đội Hy Lạp 34 tuổi cứu vớt chị Wegasi Nebiat, một người tị nạn Eritrea bị đắm thuyền

Sáng 20-4-2015, cơn bão Aegean bất ngờ ập đến, con thuyền chở Wegasi Nebiat cùng 93 người khác không chỉ bị lật mà còn vỡ vụn trong vòng vài phút. Một mình Antonis Deligiorgis đã cứu 20 người trong số đó. Nebiat tuyệt vọng bám vào một chiếc phao và là một trong những người cuối cùng được viên trung sỹ người Hy Lạp cứu sống. Vùng vẫy trên mặt biển loang lổ dầu, đôi chân trần của anh bật máu khi vấp phải đá tảng nhưng theo bản năng, Deligiorgis xốc Nebiat, 24 tuổi lên vai. Trước chị Wegasi Nebiat, một phụ nữ mang thai và một số trẻ em, gồm cả người Syria và Eritrea đã được Antonis Deligiorgis cứu được.

Hậu trường những bức ảnh làm thế giới sửng sốt ảnh 6

Đó là thời điểm mà cuộc khủng hoảng người nhập cư tới châu Âu đã bắt đầu căng thẳng. Hàng nghìn người tị nạn rời Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua sóng gió nguy hiểm để tới bờ biển Hy Lạp, từ đó sang các nước châu Âu khác. “Cuộc sống của họ khó khăn, của chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng ta đều là con người nên cần phải giúp đỡ lẫn nhau”, anh Deligiorgis nói.

Hình ảnh Deligiorgis và đồng nghiệp vật lộn với sóng gió để cứu người như một thông điệp phát đi khắp thế giới rằng, cho dù gánh nặng đè trên vai, những người trên bờ biển phía nam của châu Âu sẽ không khoanh tay đứng nhìn. “Nếu xảy ra tình huống tương tự, chắc chắn tôi sẽ làm. Vì nếu chúng tôi là dân tị nạn, sẽ có người khác ra tay cứu giúp giống như chúng tôi đã làm”.