Hậu quả nguy hiểm không chỉ Syria gánh chịu

ANTD.VN - Quyết định của Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria đang tạo ra những thách thức lớn với luật pháp quốc tế.

Cảnh đổ nát tại một trung tâm nghiên cứu gần Damascus sau vụ không kích

Liệu có thể biện minh cho hành động này là phản ứng trước lời cáo buộc rằng quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công thị trấn Douma vào ngày 7-4 vừa qua? Việc sử dụng vũ khí hóa học đúng là hành vi tội ác đáng bị lên án và cộng đồng quốc tế cần có hành động kiên quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến nay, chưa có bất cứ kết luận chính thức nào về thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công hóa học vào thị trấn Douma.

Trong khi Syria liên tục bác bỏ các lời cáo buộc và yêu cầu điều tra quốc tế, thì Mỹ và các đồng minh cũng chưa cung cấp được bằng chứng nào để buộc Damascus phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Không những thế, việc Mỹ, Anh, Pháp vội vã mở cuộc tấn công khi các chuyên gia của Tổ chức cấm vũ khí hóa học được cử đến Syria đang chuẩn bị tới Douma điều tra khiến người ta nghi ngờ về động cơ thực của hành động quân sự nói trên.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ và phương Tây vội vàng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria vượt qua “lằn ranh đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học chỉ là cái cớ để Washington và đồng minh có hành động phiêu lưu quân sự, nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị khác nữa.

Ai cũng biết thời gian gần đây, với sự hỗ trợ tích cực về quân sự và ngoại giao của Nga, quân đội Syria đã củng cố sức mạnh và giành quyền kiểm soát hầu hết các thành phố lớn. Sau chiến thắng quyết định trước lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, quân đội Syria mới đây đã kiểm soát khu vực Đông Ghouta, được coi là thành trì của lực lượng đối lập Syria được phương Tây hậu thuẫn. 

Thế thắng trên chiến trường đã thay đổi cục diện ở Syria, tạo đà cho tiến trình chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này với lợi thế nghiêng về chính quyền của Tổng thống Assad. Trong khi đó, vai trò trong các chiến dịch quân sự tiêu diệt IS ở Syria cùng những sáng kiến của Nga trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế nhằm hướng tới giải pháp chính trị xác định tương lai của Syria đã giúp tăng cường vị thế của Matxcơva trong khu vực. 

Chưa bao giờ, ảnh hưởng của Washington tại Trung Đông lại bị thách thức đến như vậy, không chỉ bởi chiến lược không rõ ràng trong vấn đề Syria mà còn bởi những hành động gây tranh cãi, như việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt. Một cuộc tấn công chớp nhoáng vừa có thể giúp Mỹ và đồng minh hỗ trợ lực lượng đối lập đang bị suy yếu, vừa kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Nhưng quá khứ đã chứng minh hậu quả nguy hiểm từ chính sách can thiệp quân sự như vậy của các nước phương Tây. Cuộc chiến tại Iraq năm 2003 và không kích Libya năm 2011 đều thất bại trong việc đảm bảo hòa bình, thay vào đó là tình hình bất ổn hơn tại Trung Đông. Cuộc tấn công Syria 2018 làm người ta dễ giật mình so sánh với “bóng” ma cuộc chiến Iraq năm 2003. Bản thân Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Pháp cũng đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng Syria với làn sóng di cư trốn chạy chiến tranh, hỗn loạn và đói nghèo.

Vì vậy, hành động leo thang chiến tranh ở Syria có thể làm bùng phát trở lại thảm họa nhân đạo ở quốc gia này, kéo theo những hệ lụy tồi tệ cho toàn khu vực và thế giới. Hơn thế nữa, chính sách gây hấn bằng vũ lực với một nước có chủ quyền mà không có sự cho phép của LHQ sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng tại Syria nói riêng, và khu vực Trung Đông nói chung. Điều cần làm lúc này là phải ngăn chặn hành động quân sự có thể tái diễn ở Syria để tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho nước này.