Hành vi gán ghép sống sượng và xuyên tạc trắng trợn

ANTD.VN - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa có việc làm vụng về, đó là cố tình gán ghép một sự việc hoàn toàn chẳng liên quan gì tới tình hình ở Việt Nam nhằm dụng ý xấu xa là xuyên tạc trắng trợn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Hành vi gán ghép sống sượng và xuyên tạc trắng trợn ảnh 1Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên y án 10 năm tù ngày 31-11-2017 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) trong cái gọi là bản Phúc trình toàn cầu thường niên lần thứ 28 được công bố hôm 18-1 vừa qua đã cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến số người bị bắt giữ đột ngột gia tăng ở Việt Nam (?!). Đúng là không thể không ngạc nhiên trước nhận định có thể nói “kỳ quái” kiểu “ông chẳng bà chuộc” này của HRW.

Chẳng những thế, HRW còn nêu 24 trường hợp mà tổ chức này cho là “bị kết án vì các bài viết vận động cho dân chủ” như:  Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (người được biết tới với cái tên “Mẹ Nấm”), Trần Thị Nga, Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hóa...  HRW còn cho rằng, trong 14 tháng qua, giới chức trách ở Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người với tội danh “Xâm phạm an ninh quốc gia”, “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó có nhiều cựu “tù nhân lương tâm” và “tù nhân nhân quyền”. 

Chẳng biết dựa vào đâu, căn cứ nào mà HRW cho rằng, những người này chỉ “bày tỏ chính kiến ôn hòa” chứ không phạm pháp và đòi Việt Nam phải trả tự do cho họ. Để từ đó, HRW tự khoác lên mình chiếc áo “quan tòa” để “phán xét” rằng, chính quyền Việt Nam đã “tiếp tục gia tăng đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017” (?!). Đáng ngạc nhiên nữa là việc HRW cho rằng, sở dĩ Việt Nam “tăng đàn áp nhân quyền” là do Mỹ rút khỏi TPP (?!).

Đến nước này thì không phải ai khác mà chính HRW đã cho thấy “màn diễn” vụng về, kệch cỡm của chính họ nhằm mục đích xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trước hết, có thể khẳng định ngay rằng việc Mỹ rút khỏi TPP không có một chút liên quan gọi là có với tình hình nội bộ của Việt Nam, trong đó có vấn đề “dân chủ, nhân quyền” mà HRW cố tình cáo buộc. Ai cũng biết rõ rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP là cam kết tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump. Chính vì thế, thực hiện cam kết khi tranh cử, Tổng thống Donald Trump sau khi đắc cử đã thực hiện lời hứa của mình với cử tri Mỹ, những người đã dựa vào cam kết trong chương trình nghị sự tranh cử để bỏ phiếu cho ông.

Nói cách khác, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, là quyền tự quyết của nước Mỹ. Theo nguyên tắc bất di bất dịch được toàn thế giới tôn trọng và tuân thủ, chuyện nội bộ của nước Mỹ đương nhiên không liên quan tới chuyện nội bộ của Việt Nam và ngược lại. 

Dựng chuyện để gán ghép việc Mỹ rút khỏi TPP với cái gọi là “tình hình nhân quyền tại Việt Nam” vì thế là sống sượng, không thể chấp nhận nhằm ý đồ xấu xa xuyên tạc về vấn đề dân chủ và nhân quyền cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Thứ hai, nhìn ngay vào những trường hợp mà HRW dẫn ra để vu cáo Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền đã thấy rất rõ sự xuyên tạc của tổ chức này. Đơn cử, trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (thường được biết tới dưới biệt danh “Mẹ Nấm”), người bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên y án 10 năm tù trong phiên xét xử phúc thẩm về tội tuyên truyền chống Nhà nước diễn ra ngày 30-11-2917.

Trước đó, căn cứ theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào tháng 6-2017 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù do đã có những hành vi dùng blog và Facebook Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mẹ Nấm, Mẹ Nấm Gấu, Nguyen Nhu Quynh đăng nhiều bài viết, video có nội dung được cơ quan điều tra nhận định: “xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”. TAND Cấp cao tại phiên phúc thẩm nhận định, bản án sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là có cơ sở vì thế đã bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay bất kỳ ai, nếu vi phạm pháp luật, đều bị điều tra, truy tố và xét xử theo đúng luật pháp. Luật pháp Việt Nam hay bất kỳ luật pháp quốc gia nào trên thế giới hiện nay đều phải thượng tôn nguyên tắc phổ quát này. Ai lợi dụng điều này để can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia trên thế giới đều không thể chấp nhận và phải bị lên án nghiêm khắc.

Đây không phải lần đầu mà HRW lên tiếng xuyên tạc và vu cáo Việt Nam trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Việc HRW cứ mãi “nhai lại” những luận điệu cũ rích, chẳng làm ai chú ý cho thấy tổ chức này đã quá lỗi thời, nên sớm tự đào thải.