Hành trình trở về sau gần 20 năm bị bán làm nô lệ

ANTĐ - Tháng 4-1991, Alexander Voznev ở Krasnoyarsk, Nga đồng ý đến Matxcơva làm việc với mức lương cao. Tuy nhiên, ông lại bị bán sang Pakistan làm nô lệ. Sau gần 20 năm, ông đã trốn thoát và trở về sau khi đi bộ qua 5 nước trong 3 năm.  
Hành trình trở về  sau gần 20 năm bị bán làm nô lệ ảnh 1

Alexander Voznev đã trở về Nga

Rơi vào bẫy của bọn “săn nô lệ”

Làm nghề lái xe, nhưng do nhiều tháng không có lương, nên khi được 2 người tuyển dụng hứa trả lương cao, anh Alexander Voznev, 38 tuổi ở Boguchany, Krasnoyarsk đã đồng ý đến làm việc tại một công trường xây dựng ở Matxcơva mà không biết rằng mình đã rơi vào bẫy của bọn “săn đầu người”.

“Tôi và 2 người đàn ông bay đến sân bay Sheremetyevo vào ngày 24-4-1991” - ông Voznev kể - “Chúng tôi được mời ăn tại quán cà phê. Sau khi uống trà, tôi đã thiếp đi. Khi tỉnh dậy, tôi ở trong khoang chiếc máy bay vận tải. Có khoảng 40 người, tất cả đều là người Nga. Chúng tôi đều bị xích cả chân tay”. Khi máy bay hạ cánh, mọi người được tháo xích, bị dồn ra khỏi máy bay và bị một số người mang vũ khí đẩy lên thùng xe ô tô.. Lúc đó, ông Voznev biết mình đã bị bán làm nô lệ. Xe chạy rất lâu vào vùng núi hoang vắng…

Nơi các ông được đưa đến là các đồn điền trồng cây anh túc, ở đó rất nóng, nắng như thiêu như đốt từ sáng đến tối. Ở mỗi đồn điền có từ 5 đến 8 cái lán, ở mỗi lán có khoảng 100 người nằm chen chúc trên những tấm ván mỏng. Công việc của họ là trồng và thu hoạch nhựa cây anh túc. Chủ đồn điền đối xử với các nô lệ rất khắc nghiệt. 

Một lần, do làm đổ nhựa thuốc phiện, ông Voznev bị tên bảo vệ dùng báng súng đập nát các ngón tay. Ông phải tự cắt bỏ những đốt bị giập nát, khâu lại bằng chỉ thường và dùng lá cây lá bỏng đắp vào vết thương. Nhiều người bị đánh rất dã man, bị treo trên giá, bị giam từ 3 đến 7 ngày mà không được ăn uống. Một số người cố gắng chạy trốn, nhưng thường bị bắt lại ngay và bị giết để răn đe những người có ý định bỏ trốn.

A. Voznev biết mình ở Pakistan sau khi đã ở đó được 5 năm vì ông bắt đầu hiểu được tiếng Hindii và Farsi. Sau 5 năm làm ở đồn điền, ông bị đưa vào sa mạc để chăn hơn 1.000 con lạc đà. Một năm rưỡi đầu, có 2 tên bảo vệ luôn theo sát ông. Dần dần, chúng chỉ đến kiểm tra và mang đồ ăn cho ông một lần/tuần. Sau 6 năm, rút xuống còn một lần/tháng. 6 năm nữa lại trôi qua, khi thấy “các ông chủ” đã tin tưởng, A. Voznev quyết định bỏ trốn. 

 Đi bộ qua 5 nước trong 3 năm

A. Voznev lên đường bắt đầu hành trình trở về với 2 con lạc đà, một ít đồ ăn dành dụm được. “Tôi đi sâu vào sa mạc theo hướng Tây” - ông Voznev kể “Tôi biết chỉ có lạc đà mới tìm được các ốc đảo. Sau 16 ngày đầu tiên, khi nhìn thấy nước, 2 con lạc đà đã dừng lại uống mất khoảng 4 tiếng”.

Chuyến vượt qua sa mạc của A. Voznev kéo dài hơn 3 tháng. Ông  phải giết cả lạc đà làm thức ăn để đi tiếp. Ông tránh các khu đông dân cư vì sợ bị bọn chủ tìm bắt. Ở những nơi ít người, ông giả vờ bị câm và dùng tay ra hiệu để xin ăn hoặc tìm việc làm. Ông để râu, tóc dài, khoác áo choàng giống người dân địa phương. Xác định nước Nga ở phía Bắc, nên ông cứ nhằm hướng đó đi tới…

Trong 3 năm, A. Voznev đã đi bộ qua 5 nước. Sau khi rời Pakistan, ông đi qua Iran, Afghanistan, Uzbekistan, Kazakhstan. Ông dùng tiếng Nga khi đến Uzbekistan do vậy một số người tặng quần áo và giúp ông đi qua biên giới. Còn ở Kazakhstan, sau khi hiểu mọi chuyện, cảnh sát đồng ý để ông trở về Nga.

Vào một đêm tháng 7-2012, sau khi nhảy qua hàng rào dây thép gai, dưới ánh đèn, A. Voznev nhìn thấy tấm biển có dòng chữ viết bằng tiếng Nga, ông vui mừng đến mức phải ngồi một lúc mới trấn tĩnh được tinh thần A. Voznev trở về Krasnoyarsk và biết rằng vợ cũ của ông đã chết. Bố mẹ, anh trai cũng không còn. Sau đó, ông được nhận vào trạm xăng làm việc. Một người quen đã cho ông mượn căn nhà trong làng cùng mảnh đất rất rộng để trồng trọt. Sau 3 năm từ ngày về nước, ông đã được nhận hộ chiếu Nga và vẫn lao động tốt tuy đã tuổi 62. 

Mới đây, các phóng viên Đài truyền hình NTV và Prima TV của Krasnoyarsk đã mời ông tới 

Matxcơva. Ông rất bất ngờ khi được gặp Artem, đứa con trai mà ông không hề biết. A. Voznev gặp mẹ của Artem ở Krasnoyarsk khi ông đã ly dị vợ. Sau khi mẹ qua đời vào năm 2001, Artem, lúc đó 10 tuổi, được gửi vào trại trẻ mồ côi. Hiện nay, cậu sống ở Taishet, Irkutsk và đã đi làm. Khi nghe cậu con trai nói sẽ về ở cùng bố, A. Voznev vui vẻ nói: “Nó sẽ lấy vợ, tôi sẽ có cháu. Và, vì thế mà tôi phải sống”.