Hành trình của một người tị nạn Somalia mới đắc cử vào Hạ viện Mỹ

ANTD.VN - Ilhan Omar - người từng sống trong một trại tị nạn ở Somalia khi còn là một bé gái và được bầu vào Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ mới đây, nói rằng cô hy vọng chiến thắng của cô sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp.

Hành trình của một người tị nạn Somalia mới đắc cử vào Hạ viện Mỹ ảnh 1Nghị sĩ Ilhan Omar (giữa) chụp ảnh selfie cùng với những người ủng hộ

Những năm tháng trong trại tị nạn

Ilhan Omar cùng với gia đình trốn chạy khỏi cuộc nội chiến ở Somalia vào năm 1991 và ở 4 năm tại trại tị nạn Utango, gần thành phố ven biển Mombasa của Kenya, trước khi tới Mỹ cùng với 6 anh chị em theo chương trình tái định cư. “Tôi rất thích nghe một câu chuyện giống như của mình. Tôi có thể sử dụng nó như một nguồn cảm hứng để có thể vượt qua khó khăn. Bài học là hy vọng, ước mơ và khao khát nhiều hơn nữa”, nữ Nghị sĩ 36 tuổi mới đắc cử vào Hạ viện Mỹ chia sẻ. 

Dự kiến, Ilhan Omar - thành viên của Đảng Dân chủ sẽ bắt đầu công việc của một Nghị sĩ Mỹ vào tháng 1-2019. Cô cùng với bà Rashida Tlaib là 2 phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Chính trị gia này từng nói về cảnh ngộ khó khăn của cô từ Somalia, trong đó cô kể về việc các phiến quân có ý định tấn công vào ngôi nhà của cô ở Mogadishu lúc nửa đêm và những người thân đã phải thuyết phục họ rời đi.  

Ilhan Omar cùng với gia đình cô rời đi ngay sau đó, và bước đi trên những con đường ngập rác và xác chết. Trại Utango nằm cô lập và nghèo nàn với điều kiện vệ sinh hạn chế. Tại đây, Omar đi kiếm củi và nước uống giúp gia đình. Cô cảm thấy tủi thân khi nhìn thấy những đứa trẻ cùng trang lứa mặc đồng phục đi học và hỏi bố rằng liệu cô có thể được đi học trở lại. Gia đình cô nằm trong số những người tị nạn đầu tiên tới trại Utango khi trại tị nạn này mới được mở ra. Những người đến đây ở trong các lều bạt tạm bợ trước khi cơ sở này bị đóng cửa vào khoảng năm 1996. “Nó nằm cô lập ở trong rừng. Có nhiều người chết vì sốt rét”, Omar nhớ lại thời kỳ gian khó. 

Truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp 

Nhiều cơ quan truyền thông đưa tin, Ilhan Omar cũng từng sống tại trại tị nạn Dadaab, vốn được mở ra để tiếp nhận những người tị nạn do nội chiến. Sau khi Omar được bầu vào Quốc hội Mỹ, nhiều người ở trại tị nạn Dadaab đã chúc mừng cô, họ nói rằng họ còn nhớ về thời gian cô sống ở đó cách đây gần 30 năm. Khi Omar 12 tuổi, cô cùng gia đình tới Mỹ. Hiện trại tị nạn này vẫn mở và phát triển thành khu phức hợp rộng lớn với hơn 250.000 người. Cuộc sống ở đó có lẽ còn khó khăn, bấp bênh với việc nhiều người đến và rời đi mỗi năm.  

Ilhan Omar - người từng tới thăm Dadaab vào năm 2011 để hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân của nạn đói ở quê hương cô, đã trở thành người hùng đối với nhiều người tị nạn trong trại. Họ cho biết, cô từng sống ở đó và gọi Omar là “con gái của Dadaab”. Chính phủ Kenya đã nhiều lần có ý định đóng cửa trại tị nạn này nhưng không thành công. Đối với nhiều người tại đây, chương trình tái định cư người tị nạn ở Mỹ là hy vọng chính của họ về một tương lai tốt đẹp hơn. Kể từ khi được lập ra năm 1980, chương trình này đã đưa hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới tới Mỹ.  

Năm 2017, hàng trăm người tị nạn Somalia ở Kenya, những người chỉ còn vài ngày nữa là đi tới Mỹ để khởi đầu một cuộc sống mới thông qua chương trình này, đã được nói rằng họ không thể đi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm người dân từ 7 quốc gia có đông người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 3 tháng. Kể từ đó, việc kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn và việc rà soát lại các thủ tục đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể những người tị nạn đến Mỹ. Tính đến ngày 10-9, mới có 251 người tị nạn Somalia được tái định cư vào Mỹ trong năm nay, sụt giảm mạnh từ mức 8.300 người trong cùng thời điểm này năm 2016, theo Reuters.

"Tôi luôn nói về mình lúc tôi còn là một đứa bé 8 tuổi và về tất cả những đứa trẻ 8 tuổi khác đang sống trong các trại tị nạn. Tôi hy vọng chiến thắng của bản thân sẽ mang lại hy vọng cho họ”.

Ilhan Omar (Thành viên của Đảng Dân chủ)