Hành trình 17 năm tìm kẻ sát hại chồng

ANTĐ - Cơn ác mộng kéo dài cuối cùng cũng đã chấm dứt đối với một phụ nữ 59 tuổi ở Trung Quốc, người đã dành 17 năm truy tìm những kẻ sát hại chồng.

Hành trình 17 năm tìm kẻ sát hại chồng ảnh 1Bà Li trong một chuyến đi tìm thủ phạm giết chồng

“Mò kim đáy bể”

“Khi tôi đến mộ chồng, tôi nói với ông ấy rằng tất cả nghi phạm đã bị bắt giữ”, bà Li Guiying nói. Hành trình gian khổ của bà Li bắt đầu từ ngày 30-1-1998 khi 5 đối tượng tiếp cận bà trên đường về nhà. Theo Li, họ tìm cách trả thù bà do nghi ngờ bà thông báo cho nhà chức trách về việc họ vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình. “Họ lăng mạ và dùng gậy đánh đập tôi. Tôi không có thời gian để phản ứng. Tôi chỉ phát hiện ra rằng mình bị đâm và chảy máu ở bụng”, bà Li kể lại. Nghe tiếng vợ la hét, ông Qi Yuande, chồng bà vội vã chạy ra nhưng bị Qi Jinshan, một trong số những kẻ tấn công dùng dao đâm tử vong. Sau vụ việc, những kẻ tấn công bỏ trốn khỏi làng. 

Bước đi trên con đường đất gần nhà mình ở làng Quipo thuộc huyện Nandun, thành phố Hạng Thành, tỉnh Hà Nam, bà Li nói: “Đây chính là nơi chồng tôi bị sát hại. Tôi sẽ không bao giờ quên”.

Trước khi xảy ra án mạng, cặp vợ chồng này có 5 người con, một ngôi nhà mới xây và cuộc sống hạnh phúc. Khi cảnh sát không tìm được kẻ sát nhân, bà Li quyết tâm tự mình truy tìm thủ phạm. Bà Li đề nghị dân làng thông báo cho bà nếu có bất kỳ thông tin nào về nghi phạm. Cứ khi nào có manh mối, bà lại lên đường tìm kiếm thủ phạm. Trong hơn 17 năm, bà Li đã đi tới Bắc Kinh cùng hơn 10 tỉnh và khu tự trị, trong đó có Vân Nam và Tân Cương. 

Dựa trên thông tin do bà cung cấp, cảnh sát đã bắt giữ 2 nghi phạm Qi Xueshan và Qi Baoshan vào năm 1998, hiện cả hai đang bị giam giữ. Nhưng 3 nghi phạm khác trong đó có đối tượng bị cáo buộc đâm chết ông Qi Yuande vẫn bỏ trốn. Bởi vậy, bà Li vẫn tiếp tục truy tìm. “Đó thực sự là một thời gian khó khăn. Nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra với tôi”, bà Li nói và cho biết, bà đã mất hơn 30 giờ đi tới Tân Cương bằng tàu hỏa. “Tôi tới đó 3 lần, gần như mỗi tháng 1 lần, cố gắng tìm ra nghi phạm. Nó giống như mò kim đáy bể vậy”. Theo bà Li, điều kiện ăn ở rất kham khổ và bà thường khóc vào ban đêm. Bà tích cực đọc sách về pháp luật và rèn luyện thêm các kỹ năng của mình. “Tôi tìm người nói giọng Hà Nam ở Tân Cương. Tôi từng bước tiếp cận và trò chuyện với họ”.

Thay đổi nhân dạng cũng không thoát

Năm 2011, năm thứ 13 miệt mài đi tìm kiếm thủ phạm, bà Li có được số điện thoại của Qi Jinshan ở Tân Cương và báo cảnh sát. Sau khi điều tra, cảnh sát yêu cầu bà xác nhận danh tính của người đàn ông trong một đoạn video. Người này bị bắt giữ vào tháng 3, sau đó bị kết án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án 2 năm. Trong số 2 nghi phạm còn lại, Qi Haiying bị bắt giữ hồi tháng 11-2015, còn Qi Kuojun bị bắt giữ 1 tháng sau đó. Hiện cả hai đang bị giam giữ. 

“Tôi mất một thời gian dài để tìm kiếm Qi Jinshan và Qi Haiying. Chúng thay đổi thông tin nhân dạng khi công an địa phương công bố tổng điều tra dân số năm 2000”, bà Li cho biết. Theo Zhang Yafei - Giám đốc Công an Hạng Thành, một số cảnh sát điều tra vụ án sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ không làm hết trách nhiệm. 

Hiện bà Li đã có một cháu trai 18 tháng tuổi. Bà muốn dành thời gian cho gia đình. “Trong 17 năm qua, gia đình chúng tôi không được đón Tết vì thủ phạm vẫn bỏ trốn. Tôi và con phải chịu đựng nhiều khổ cực, nhưng Tết năm nay sẽ khác. Tất cả thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để tận hưởng một bữa cơm đoàn tụ”, bà Li nói.