Hành động khẩn cấp vì sự di cư an toàn

ANTD.VN - Hàng triệu người trên khắp thế giới đã buộc phải rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” để di cư tới miền đất hứa - quê hương mới và hàng nghìn người trong số đó không may đã thiệt mạng trong chặng đường di cư đầy hiểm nguy rình rập. 

Hiện có hàng trăm nghìn người di cư đang tá túc tại Thổ Nhĩ Kỳ để đến nơi định cư mới tại châu Âu 

Nhân Ngày Di cư quốc tế (18-12), Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng thắt chặt hợp tác trong việc quản lý dòng hoạt động di cư nhằm đảm bảo rằng những lợi ích thu được từ hoạt động này được phân bổ một cách đồng đều, và quyền của những người liên quan đều được bảo vệ. Theo tổ chức lớn nhất thế giới này, đây cũng chính là những nội dung quan trọng đã được công nhận trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 được Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 9-2015.

Đưa ra cái nhìn toàn diện vấn đề lớn và tiêu điểm của thế giới trong thông điệp nhân  Ngày Di cư quốc tế năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy những người di cư đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho mọi đời sống xã hội trên thế giới. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Liên hợp quốc, điều nghịch lý là thái độ thù địch với người di cư ngày càng phổ biến trên toàn thế giới bất chấp những đóng góp mà hàng triệu người di cư mang tới cho quê hương mới.   

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 258 triệu người sống ở quốc gia không phải là quê hương nơi mình sinh ra, tăng 49% kể từ năm 2000. Báo cáo Di cư quốc tế năm 2017 cũng cho thấy, hoạt động di cư quốc tế đóng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng dân số ở nhiều nơi trên thế giới và thậm chí làm đảo ngược đà suy giảm dân số ở một số quốc gia hoặc khu vực đang báo động đỏ về hiện tượng già hóa dân số. 

Theo báo cáo trên, trong thời gian từ năm 2000 đến 2015, người di cư đóng góp tới 42% tốc độ tăng trưởng dân số ở khu vực Bắc Mỹ và 31% ở châu Đại Dương. Cũng trong giai đoạn này, tại châu Âu, nếu như không có hàng triệu người di cư tới thì tổng dân số đã bị sụt giảm khá trầm trọng.

Trong khi đó, Báo cáo Di cư quốc tế 2017 cho biết, năm 2017, 74% tổng số người di cư quốc tế ở độ tuổi lao động (20-54 tuổi), cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ 57% của dân số toàn cầu. Do người di cư quốc tế chiếm tỷ lệ lớn hơn trong lực lượng lao động nói chung, nên dòng người di cư làm giảm tỷ lệ người phụ thuộc, đó là trẻ em và người cao tuổi.

Có nhiều nguyên nhân khiến hàng triệu người vẫn phải rời bỏ quê hương để tham gia vào dòng người di cư toàn cầu, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo phân tích, dòng người di cư hiện nay trên thế giới chia thành 3 nhóm chủ yếu là: người tị nạn, người di cư kinh tế và những người lánh nạn do bạo lực. 

Dù với bất cứ lý do gì thì cũng không thể phủ nhận làn sóng di cư hiện đã trở thành một hiện tượng toàn cầu và có những đóng góp tích cực cho nơi định cư mới. Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng này là hàng nghìn người di cư đã phải thiệt mạng trên chặng đường di cư dài với đầy rẫy hiểm nguy rình rập cùng sự kỳ thị, phản đối của cư dân nơi tiếp nhận người di cư.

Chung tay vì sự di cư an toàn là thông điệp toát lên từ Ngày Di cư quốc tế năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia là điểm “trung chuyển di dư” lớn nhất thế giới, đón nhận hàng triệu người di cư châu Phi và Trung Đông tới châu Âu - ngày 18-12 đã khẳng định tiếp tục chính sách mở cửa cho người di cư để góp phần thiết thực vào việc giải quyết khủng hoảng di cư hiện nay.

Tuy nhiên, còn cần hơn rất nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề di cư bởi theo thông tin mà Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đưa ra ngày  18-12, hiện có tới khoảng 36.000 trẻ em trong tổng số khoảng 400.000 người di cư tại Libya đang cần được trợ giúp. Bởi thế, Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing đã kêu gọi cần hành động khẩn cấp về sự di cư an toàn trong một thế giới đang chuyển động ngày nay.