Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục gây lo ngại

ANTĐ - Bất chấp những lời giải thích mập mờ và cả những răn đe của Bắc Kinh, dư luận thế giới vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan ngại và đưa ra những tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục gây lo ngại ảnh 1Đối thoại Ấn Độ - ASEAN VIII bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên Biển Đông do hành động của Trung Quốc

Phát biểu tại Đối thoại Ấn Độ - ASEAN lần thứ tám (Đối thoại Delhi VIII) diễn ra tại Thủ đô New Delhi hôm 19-2, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Swaraj cảnh báo Bắc Kinh cần tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây căng thẳng trong khu vực. Thủ tướng Australia M. Turnbull trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp New Zealand  J. Key thì thúc giục Trung Quốc kiềm chế những hành động “quân sự hóa các đảo” trên  Biển Đông nhằm tránh xảy ra xung đột.

Thậm chí theo các nguồn tin ngoại giao phát đi từ Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản F. Kishida đã từ bỏ kế hoạch thăm Trung Quốc vào mùa xuân năm nay liên quan đến phản ứng của Nhật Bản đối với cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông. Trước đó hồi đầu năm, ông F. Kishida đã lên kế hoạch thăm Trung Quốc để đưa quan hệ Nhật - Trung tiến về phía trước. Tuy nhiên, căng thẳng trên Biển Đông đã làm kế hoạch này đổ vỡ. 

Quá nhiều những tác động khó lường nếu như Biển Đông tiếp tục bị quân sự hóa đã khiến không chỉ các nước trong khu vực mà cả ngoài khu vực phải lên tiếng bày tỏ thái độ phản đối. Đài phát thanh Đức (DLF) cảnh báo rằng cho tới nay, quân đội Trung Quốc vẫn một mình chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và giờ đây Bắc Kinh rõ ràng muốn mở rộng vùng ảnh hưởng quân sự của họ. Dẫn lời tác giả K. Bardenhagen, đài DLF cho biết với tầm bắn 200km, tên lửa đất đối không HQ-9 mà Trung Quốc triển khai trên đảo Phú Lâm về lý thuyết có thể gây nguy hiểm cho cả máy bay chở khách bay qua vùng này. 

Chuyên gia R. Medcalf thuộc Viện An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Australia thì lo ngại rằng bước tiếp theo của Trung Quốc có thể là thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giống như đã làm ở biển Hoa Đông, khiến việc thông thương hàng không bị ảnh hưởng. Nguy cơ tương tự cũng xảy ra với thông thương hàng hải trên Biển Đông. Theo bà Ngoại trưởng Ấn Độ S. Swaraj, đại dương và biển, bao gồm cả vùng Biển Đông, là con đường dẫn tới sự thịnh vượng và an ninh. Khi sự an toàn của các tuyến đường biển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị đe dọa thì nó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của Ấn Độ phát triển của một nền kinh tế xanh và sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên biển.  

Về khía cạnh quân sự, ông W. Stanton, một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ nêu lên thực tế rằng tại vùng biển phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đã tiến hành các hoạt động bồi đắp rất lớn, biến các rạn san hô nhỏ thành các đảo, với cảng và đường băng. Ông lo ngại rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể sử dụng nơi đây làm căn cứ quân sự để mở rộng đòi hỏi chủ quyền của mình.

Tất cả những nguy cơ tiềm ẩn đó giải thích tại sao đến dư luận một nước châu Âu xa xôi với Biển Đông như Đức cũng phải lên tiếng bày tỏ thái độ. Trả lời phỏng vấn báo điện tử               Sóng Đức (DW), chuyên gia P. Kreuzer thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột Hessen (Đức) cho rằng, trước nguy cơ căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang, châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng cần sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các tiến trình giải quyết xung đột để góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ít nhất là cần bàn thảo nhiều hơn về chủ đề Biển Đông.