Hàng viện trợ của Trung Quốc bị "đắp chiếu" ở Afghanistan

ANTĐ - Nằm giữa Thủ đô Kabul, Afghanistan hiện nay có một bệnh viện mang tên Jumhoriat. Là quà viện trợ của Trung Quốc tặng Afghanistan, công trình có 10 tầng, vốn đầu tư hàng chục triệu USD với nhiều thiết bị hiện đại, nhưng đi một vòng quanh bệnh viện, người ta sẽ nhận ra ngay điều bất thường, đó là rất nhiều máy móc thiết bị từ Trung Quốc đưa sang bị  “đắp chiếu”.

Hàng viện trợ của Trung Quốc bị "đắp chiếu" ở Afghanistan ảnh 1Đóng cửa ngay sau lễ khai trương hoành tráng năm 2009, bệnh viện Jumhoriat do Trung Quốc viện trợ hiện chỉ hoạt động được 2/3 công suất

Đóng cửa ngay sau hôm khánh thành

Phóng sự được kênh truyền hình NHK Nhật Bản phát đi ngày 8-7 cho thấy, hoạt động khám chữa bệnh ở bệnh viện Jumhoriat chỉ tập trung ở một số tầng dưới. Trong khi số bác sỹ đáp ứng không xuể lượng bệnh nhân ra vào liên tục thì tầng trên cùng gần như không một bóng người vì bị bỏ không đã lâu. Đáng nói là phần lớn thiết bị y tế do Trung Quốc sản xuất đưa sang được xếp dồn vào một số phòng đóng kín, chúng chưa hề được sử dụng. Một thành viên Ban giám đốc bệnh viện cho biết, phía Trung Quốc không chỉ xây tòa nhà bệnh viện mà còn viện trợ máy móc thiết bị, nhưng đáng tiếc là không thấy cung cấp hướng dẫn sử dụng máy móc. Ông nói, các bác sỹ không biết sử dụng các thiết bị này như thế nào.

Bất ngờ hơn khi được biết, ngày 16-8-2009, bệnh viện Jumhoriat được Tổng thống Afghanistan khi đó, ông Hamid Karai tới cắt băng khánh thành, nhưng chỉ 1 ngày sau, nó đã bị đóng cửa. Cơ sở này do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, do Chính phủ Trung Quốc trả tiền nhưng khi đưa vào sử dụng, nó đã vấp phải một thực tế nan giải là Afghanistan không có khả năng duy trì hoạt động của bệnh viện.

Nhà tài trợ Trung Quốc quên mất một sự thật là Afghanistan không có đủ quỹ và kinh nghiệm để vận hành bệnh viện. Bác sỹ Manocher Mohammadi nói: “Tất cả những gì phía Trung Quốc làm là xây tòa nhà này. Họ không nghĩ là bệnh viện sẽ vận hành như thế nào”. Được biết, chính quyền Kabul đã nhiều lần kiến nghị Trung Quốc hỗ trợ thêm để bệnh viện có thể phát huy hết công suất nhưng không nhận được hồi âm. 

 Theo một bài báo của Al Jazeera từ cuối năm 2012, Jumhoriat là một trong 19 bệnh viện thuộc diện viện trợ nước ngoài nhưng Chính phủ Afghanistan không đủ quỹ cho bất kỳ bệnh viện nào trong số này hoạt động. Đó là thực trạng ở một quốc gia vừa trải qua cả chục năm đấu tranh với chế độ Taliban tàn bạo cùng tàn dư của nó, nguồn ngân sách của họ vô cùng eo hẹp. Sau rất nhiều chỉ trích, bệnh viện Jumhoriat đã được mở cửa trở lại vào năm ngoái, nhưng 1/3 không gian bệnh viện hiện vẫn để trống. Cơ quan chức trách đã nỗ lực hết sức để bệnh viện duy trì hoạt động theo mô hình hợp tác công – tư, trong đó có một quỹ phúc lợi để trang trải cho các bệnh nhân nghèo. 

Mặt trái của các dự án viện trợ

Theo NHK, trên đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình về những dự án viện trợ không hiệu quả của Trung Quốc đối với các quốc gia đang phát triển, cho thấy cách thức cung cấp viện trợ kiểu như vậy cần phải được xem xét lại. 

Tháng 7-2014, sách trắng của Trung Quốc công bố, giai đoạn từ năm 2010 đến 2012, viện trợ nước ngoài của nước này đã đạt khoảng 89,34 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,41 tỷ USD), trong đó 51,8% đến với các quốc gia châu Phi. Số tiền viện trợ này dù không thể bằng một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngờ về mục đích phân bổ viện trợ nước ngoài lớn như vậy. Là một nước đang phát triển, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với bài toán xóa đói giảm nghèo khi có hơn 100 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo của Liên hợp quốc.

Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều lời chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng Trung Quốc tăng cường nguồn viện trợ để đổi lấy khai thác tài nguyên và thị trường ở nước tiếp nhận. Theo phân tích trên tạp chí trực tuyến Weeklystandard, không phủ nhận rằng viện trợ nước ngoài của Trung Quốc phục vụ quan hệ ngoại giao cũng như lợi ích quốc gia của Trung Quốc, nhằm tăng cường “quyền lực mềm” và hình ảnh trong cộng đồng quốc tế.

Nhưng bằng cách giúp các nước tiếp nhận xây dựng một số dự án phát triển liên quan đến kinh tế, Trung Quốc tìm cách gặt hái những cơ hội thương mại, đầu tư và hợp đồng ở nước ngoài, đặc biệt là để tạo việc làm cho các nhà thầu Trung Quốc. Có thể nói, là một nước đang phát triển, Trung Quốc không chỉ xem xét viện trợ nước ngoài đơn giản với mục đích hiến tặng, mà đó là một hình thức hợp tác thúc đẩy các lợi ích của cả đôi bên. 

Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc cần từng bước điều chỉnh chính sách viện trợ nước ngoài của họ sao cho phù hợp với tình hình mới, để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của một nước viện trợ lớn. Trong đó, các chuyên gia kêu gọi Trung Quốc nên giảm viện trợ gắn với điều kiện, mở rộng thị trường để các nước tiếp nhận có thể tham gia nhiều hơn vào các dự án, như thế mới giúp tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao đời sống của người dân bản địa.