Hàng quân sự bày bán ở Kabul
(ANTĐ) - Nằm núp sau tòa nhà văn phòng cách trụ sở cảnh sát Kabul khoảng 1,5 km là một khu chợ đen.
Khách hàng thoải mái lựa chọn quân phục |
Bên trong những gian hàng của khu chợ này bày bán những mặt hàng trộm cắp do Mỹ sản xuất với mức giá rất rẻ từ thịt bò khô, thuốc chức năng đến những đôi ủng, quần áo quân sự… Nghĩa là tất cả những gì được trang bị cho một căn cứ quân sự ở Afghanistan đều có thể tìm thấy ở khu chợ này miễn là đừng quan tâm đến hạn sử dụng.
Khu chợ này được người dân nơi đây gọi là "Chợ Bush" và sau này được gọi là "Chợ Obama". Đây là một trong số những trung tâm thương mại lớn được gọi theo tên của các Tổng thống Mỹ xuất hiện kể từ khi lực lượng Taliban bị lật đổ vào năm 2001.
Quả thực, sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở đất nước này trong những năm qua đã kéo theo nhu cầu hàng hóa của những nước đó. Ba thập kỷ trước, trong thời kỳ chiếm đóng của Xô Viết, khu chợ này được gọi là "Chợ Brezhnev", đặt theo tên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô, và tất nhiên bên trong những gian hàng của khu chợ này có mặt tất cả những mặt hàng thiết yếu của Nga.
Nhưng sau 10 năm kể từ ngày Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở đất nước này, những mặt hàng của phương Tây được coi là khó kiếm trước đây lại xuất hiện tràn lan trong các gian hàng. Ajmal, 27 tuổi, cho biết, anh thường đến đây để mua quần áo vì kiểu dáng rất phù hợp trong khi giá lại rẻ.
Một khu chợ tương tự cũng mọc lên ngay phía bên ngoài căn cứ không quân của NATO ở Bagram phía Bắc Thủ đô Kabul. Tại đây, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những mặt hàng có nguồn gốc từ phương Tây.
Và mặc dù, phần lớn những mặt hàng xuất hiện ở đây có vẻ như là những đồ thừa, hết hạn sử dụng, có thể đã được đem chôn bên ngoài khu căn cứ nhưng lại được những người Afghanistan đào lên và đem bán lại.
Tất nhiên cũng có nhiều chuyến hàng được chuyển cho quân đội Mỹ vẫn còn hạn sử dụng nhưng lại không bao giờ đến được đích như những thùng đồ ăn sẵn, những túi ngủ dành cho quân đội ngoài chiến trường… Và tất nhiên, trong bối cảnh chiến tranh, sẽ có cả những mặt hàng quân sự nguy hại khác.
Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy những bộ kính nhìn ban đêm dành cho quân đội Mỹ. Một vài cửa hàng còn bán cả những ống ngắm súng trường laze tầm xa, áo chống đạn và cả mũ sắt Kevlar. Một bộ quần áo dã chiến của lính thủy Mỹ được bày bán rộng rãi với giá 40 USD.
Tại một khu chợ khác gần nhà thờ lớn nhất của Thủ đô, một bộ đồng phục của cảnh sát, quân đội Afghanistan và thậm chí của lính cận vệ Tổng thống cũng được bày bán với giá dưới 40 USD.
Chính vì vậy mà những kẻ đánh bom khủng bố Taliban có thể dễ dàng kiếm được những bộ quần áo này và cải trang thành lực lượng an ninh Afghanistan để xâm nhập và tấn công vào những đám đông.
Một người bán hàng tại khu chợ có tên Khwaja Muhammad, 23 tuổi, thừa nhận rằng, những chủ quầy hàng ở đây sẵn sàng bán hàng cho mọi loại khách hàng miễn là họ có tiền, thậm chí có nhiều khách hàng là quân nhân đến để mua thêm đồng phục.
Khi được hỏi về nguồn hàng, hầu hết chủ hàng đều đưa ra những câu trả lời loanh quanh đại loại như "chúng tôi mua của một người đàn ông, người này lại mua hàng từ một người khác, hoặc phần lớn hàng hóa là quà của những lính Mỹ" hoặc dẫm chân nhau ra hiệu giữ im lặng.
Nhưng Farhad, 34 tuổi, một người buôn bán ở khu chợ cho biết, đa số hàng hóa được rút từ những đoàn xe cung cấp của NATO hoặc bị những nhà thầu nước ngoài hoặc Afghanistan lấy trộm từ những căn cứ lớn như Bagram, sau đó bán cho dân bán buôn người địa phương trước khi được phân phối đến những người bán lẻ trong các khu chợ.
Các quan chức NATO cho biết, họ cũng đã nghe về hoạt động chợ đen kiểu này và sẽ có biện pháp ngăn chặn nếu có những chứng cứ cho thấy những loại hàng hóa nhạy cảm được bán ở đây mà có thể là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh.
Thiếu tá Sunset R. Belinsky cho biết, các quan chức cũng đã biết có một số đồ quân sự được đưa ra ngoài những khu chợ gần các căn cứ của liên quân, và trong số đó có cả những đồ giả, khoảng 3% số hàng này lọt vào tay những lực lượng chống đối. Nhưng vấn đề là ở chỗ có một số nhân viên nằm trong danh sách ăn lương của lực lượng Mỹ đã lợi dụng để kiếm lợi.
Các nhà thầu trong những căn cứ cũng không vì mục đích yêu nước và lòng trung thành với Tổ quốc, họ chỉ vì lợi nhuận. Còn các nhà buôn trong những khu chợ đen cũng chỉ vì cuộc sống, họ cũng chẳng cần quan tâm đến nguồn gốc xuất sứ của hàng hóa.
Hiếu Trung
(Theo NYT)