Hàn Quốc: Bê bối của một số giám đốc tình báo

(ANTĐ) - Mặc dù được Tổng thống Lee Myung-bak bổ nhiệm tới lần thứ hai (26-3-2008), nhưng cựu Bộ trưởng Tư pháp Kim Sung-ho, 58 tuổi vẫn chưa được Quốc hội thông qua để trở thành tân Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia, thay thế người tiền nhiệm Kim Man-bok.

Hàn Quốc: Bê bối của một số giám đốc tình báo

(ANTĐ) - Mặc dù được Tổng thống Lee Myung-bak bổ nhiệm tới lần thứ hai (26-3-2008), nhưng cựu Bộ trưởng Tư pháp Kim Sung-ho, 58 tuổi vẫn chưa được Quốc hội thông qua để trở thành tân Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia, thay thế người tiền nhiệm Kim Man-bok.

Trước đó (hạ tuần tháng 2-2008), ông Kim Sung-ho từng được Tổng thống Lee Myung-bak đề cử giữ chức Giám đốc Tình báo, nhưng không được Quốc hội thông qua vì có những cáo buộc nhận hối lộ của Tập đoàn Samsung khi đang là công tố viên cấp cao.

Tân giám đốc là người từng nhận hối lộ?
Tân giám đốc là người từng nhận hối lộ?

Theo giới truyền thông, cách đây gần 2 năm, ông Kim Sung-ho đã được cựu Tổng thống Roh Moo-hyun bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp.

Khi đó ông Kim Sung-ho đang là Tổng Thư ký ủy ban độc lập chống tham nhũng Hàn Quốc và được Thủ tướng Han Myung-sook tiến cử với Tổng thống Roh Moo-hyun. Trước khi được cử làm Tổng Thư ký ủy ban độc lập chống tham nhũng Hàn Quốc, ông Kim Sung-ho từng làm việc với tư cách ủy viên công tố (đến năm 2004) sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hàn Quốc (1972) và vượt qua kỳ thi tư pháp Nhà nước.

Nhưng chỉ chưa đầy 1 năm ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp (6-8-2007), ông Kim Sung-ho đã đệ đơn từ chức khi Tổng thống Roh Moo-hyun tiến hành cải tổ nội các. Trong thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp, ông Kim Sung-ho đã đề xuất ân xá cho 434 doanh nhân và chính trị gia (9-2-2007) nhân dịp kỷ niệm 4 năm Tổng thống Roh Moo-hyun lên nắm quyền và 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Thông thường chẳng ai muốn ký quyết định cho cấp dưới nghỉ hưu khi mình chuẩn bị rời chiếc ghế quyền lực, nhưng Tổng thống Roh Moo-hyun, người hết nhiệm kỳ hôm 24-2-2008 vẫn phải làm điều ngược lại. Theo đó, ngày 11-2, ông đã chấp thuận đơn từ chức của Giám đốc Tình báo, mặc dù ông Kim Man-bok đệ đơn xin từ chức từ trung tuần tháng 1-2008. Ông Kim Man-bok buộc phải ra đi sau nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn, cũng như giới truyền thông và giọt nước tràn ly chính là vụ tiết lộ tin tức về việc cơ quan tình báo chuẩn bị tài liệu cho nhân viên của Tổng thống mới đắc cử Lee Myung-bak bị đăng tải công khai.

...không nắm được tình hình ... và thích khoe khoang ...không nắm được tình hình ... và thích khoe khoang
...không nắm được tình hình ... và thích khoe khoang

Theo giới truyền thông, Giám đốc Kim Man-bok đã để lộ tài liệu mật xung quanh việc bí mật đến CHDCND Triều Tiên hồi tháng 1-2008 và điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Giám đốc Kim Man-bok cho biết, ông bí mật tới CHDCND Triều Tiên “chỉ để đặt một hòn đá kỷ niệm trước cây thông mà Tổng thống Roh Moo-hyun đã trồng tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 10-2007”. Điều đáng nói là ông Kim Man-bok đã “rất cẩn thận” trước khi gửi bản sao tài liệu về chuyến đi của mình cho giới truyền thông - không được đăng tải. Nhưng tờ Joong Ang Ilbo đã đưa lên mặt báo toàn bộ tài liệu kể trên. Nhưng trên thực tế, ông Kim Man-bok đã có các cuộc đối thoại với Giám đốc Tình báo Kim Yang-gon của CHDCND Triều Tiên.

Trong cuộc hội đàm với Giám đốc Tình báo Kim Yang-gon, ông Kim Man-bok đã trấn an CHDCND Triều Tiên khi cho rằng, ông Lee Myung-bak tuy là người bảo thủ, nhưng vẫn tiếp tục các chương trình hợp tác giữa hai nước sau khi đắc cử Tổng thống. Đây không phải lần đầu tiên ông Kim Man-bok bị giới truyền thông điểm danh trên mặt báo. Mặc dù là Giám đốc Tình báo, nhưng ông Kim Man-bok lại thích xuất hiện trước công chúng. Tên tuổi của ông Kim Man-bok được giới truyền thông đề cập rất nhiều trong vụ giải cứu con tin Hàn Quốc năm 2007. Giới chuyên môn từng phàn nàn, ông Kim Man-bok đã quá lộ liễu trong việc thể hiện thân phận cũng như vai trò trong việc tham gia giải cứu các con tin khi phát biểu tại sân bay quốc tế Icheon, Hàn Quốc hôm 2-9-2007.

Trước đó Giám đốc Kim Man-bok cũng xuất hiện quá nhiều trước giới truyền thông khi có mặt tại Afghanistan. Thậm chí ông Kim Man-bok còn “sơ ý” tới mức để ống kính máy quay chộp được cảnh đang nói chuyện với phóng viên về “người bí ẩn” đang ngồi bên cạnh mình. Điều đáng nói là “người bí ẩn” này từng được dư luận phỏng đoán là nhân viên của cơ quan Tình báo Hàn Quốc khi xuất hiện tại Afghanistan và thân phận của anh ta lại được chính Giám đốc Tình báo Kim Man-bok thừa nhận.

Ông Kim Man-bok và người tiền nhiệm, cựu Giám đốc Tình báo Kim Seung-kyu đều phải ra đi vì “vấn đề CHDCND Triều Tiên”. Giám đốc Tình báo Kim Seung-kyu đã xin từ chức sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân hôm 9-10-2006. Trước đó không lâu (28-8-2006), Giám đốc Kim Seung-kyu từng nhận định, tuy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho một cuộc thử hạt nhân, nhưng hiện chưa có dấu hiệu đáng tin cậy nào cho thấy họ sẽ làm như vậy. Song tình hình lại diễn ra không đúng như ông Kim Seung-kyu dự báo, khiến Giám đốc Tình báo phải ra đi. Ngày 26-10-2006, ông Kim Seung-kyu đã đệ đơn xin từ chức.

Theo tờ Chosun của Hàn Quốc (tháng 3-2005), ông Kim Hyung-wook, cựu Giám đốc Tình báo đã bị ám sát do trúng mỹ nhân kế (1979) vì biết quá nhiều và muốn công bố những tin tức tuyệt mật. Ông Kim Hyung-wook đã tiết lộ nhiều bí mật của cơ quan Tình báo Hàn Quốc khi phải ra điều trần trước Hạ viện Mỹ, trong đó có vụ bắt cóc cựu Tổng thống Kim Dae-jung, đối thủ chính trị của cố Tổng thống Park Chung-hee.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)