"Hạ nhiệt" Biển Đông

ANTD.VN - ASEAN và Trung Quốc đang có những động thái nhằm “hạ nhiệt” tình hình Biển Đông vốn trở nên rất căng thẳng sau khi Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc mà phần thua thuộc về Bắc Kinh.

"Hạ nhiệt" Biển Đông ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Vientiane - Lào dự hội nghị
với các nước ASEAN cuối tháng 7 vừa qua 

Hãng tin Anh Reuters ngày 17-8 dẫn truyền thông Trung Quốc trong một cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Trung Quốc, hai bên đã nhất trí vào giữa năm 2017 sẽ hoàn tất việc xây dựng bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc hoàn tất COC, một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý hơn so với Tuyên bố Ứng xử các bên về Biển Đông (DOC).

Trong khi chờ đợi COC, ASEAN và Trung Quốc cũng đã thông qua những đường hướng căn bản cho việc thiết lập đường dây nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra trên Biển Đông. Các văn kiện về đường dây nóng và về việc xử lý các cuộc va chạm bất ngờ trên biển đạt được tại cuộc họp lần thứ ba trong năm về COC này sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào đầu tháng 9 tới để thông qua.

Việc ASEAN và Trung Quốc đạt được tiến triển trên bàn thương lượng nhằm lập ra các cơ chế ngăn ngừa va chạm, xung đột trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh tình hình vùng biển chiến lược trọng yếu này đang rất “nóng” sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã bác bỏ cả tư cách cũng như phán quyết mà PCA đưa ra ngày 12-7 vừa qua với phần thua thuộc về nước này.

Không những thế, Trung Quốc còn có những hành động khiến các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế càng lo ngại hơn khi liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông trước và sau khi PCA ra phán quyết. Trong khi đó, giới quan sát cho biết Bắc Kinh còn đang rục rịch chuẩn bị cho việc tiến hành bồi đắp, cải tạo bãi cạn Scaborough, điều tương tự mà họ đã làm với các bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm biến thành các đảo nổi nhân tạo, triển khai lên đó radar, tên lửa và máy bay chiến đấu.

Biển Đông vốn đã căng thẳng bởi những hành động gây hấn, hung hăng để thay đổi hiện trạng và quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc do vậy càng trở lên nóng hơn sau khi có phán quyết của PCA. Đối đầu và dùng sức mạnh quân sự hoàn toàn không phải là giải pháp mang lại lợi ích cho các bên trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, trái lại tất cả các bên, kể cả Trung Quốc, đều có thể phải gánh chịu những tác động khôn lường nếu lựa chọn giải pháp này.

Tiếp tục leo lên nấc thang căng thẳng mới, Trung Quốc càng tiến gần hơn tới lựa chọn nguy hiểm cho chính lợi ích của họ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước này ngày càng xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu tiêu cực. Trong bối cảnh đó, có thể hiểu vì sao Trung Quốc lại bỗng xuống thang, ngồi lại cùng ASEAN thảo luận về những thiết chế, cơ chế giảm căng thẳng, hạ nhiệt tình hình Biển Đông.