"Góc khuất" của những trung tâm đẻ thuê ở Ấn Độ

ANTĐ - Ấn Độ hiện được coi là một trong những thị trường tiềm năng nhất của ngành công nghiệp đẻ thuê trên thế giới. Giá rẻ, cộng với quy định pháp lý lỏng lẻo đã thu hút hàng nghìn cặp vợ chồng từ khắp nơi trên thế giới đến đây để thực hiện "khát vọng" được làm cha, làm mẹ. Doanh thu từ ngành công nghiệp mang thai hộ đem về cho Ấn Độ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

"Góc khuất" của những trung tâm đẻ thuê ở Ấn Độ ảnh 1

Nhiều người phụ nữ Ấn Độ tìm đến dịch vụ mang thai hộ như một giải pháp để thoát nghèo 

Ngành công nghiệp tỷ đô

Với những phụ nữ nghèo ở vùng quê hẻo lánh, mang thai hộ được coi là một giải pháp thoát nghèo. Mỗi ca mang thai hộ có giá khoảng 18.000 bảng Anh, người phụ nữ mang thai được trả khoản tiền khoảng 4.500 bảng Anh - số tiền rất lớn trong một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người là 215 USD (năm 2012), 1/5 dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc gia. Chi phí mang thai hộ ở Ấn Độ thấp hơn chi phí tương tự ở Mỹ 5 lần. Khoảng 12.000 người nước ngoài đến Ấn Độ tìm người mang thai hộ mỗi năm, nhiều người trong số đó đến từ Anh.

Vào vai một người phụ nữ có nhu cầu tìm người mang thai hộ, Julie Bindel, một nhà hoạt động nữ quyền chống lạm dụng tình dục phụ nữ đã đến bang Gujarat, Ấn Độ tìm hiểu về ngành công nghiệp tỷ đô này. Gujarat được biết đến là trung tâm đẻ thuê lớn nhất của Ấn Độ. Tiến sĩ Rana, phụ trách phòng khám dẫn Julie Bindel vào một căn phòng nhỏ không có cửa sổ và nói về sự thay đổi trong chính sách đẻ thuê của Ấn Độ. 

"Bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã cấm việc mang thai hộ cho người nước ngoài. Mang thai hộ được coi là hợp pháp nếu cha hoặc mẹ có hộ chiếu và cư trú tại Ấn Độ", ông Rana nói. Ông Rana khuyên Julie Bindel nên đến Thái Lan để tìm người mang thai hộ. "Ở Thái Lan, chi phí mang thai hộ đắt gấp đôi ở Ấn Độ. Ở đó, thậm chí còn cho phép lựa chọn giới tính thai nhi. Chính vì vậy, nhiều người Ấn Độ cũng tìm đến Thái Lan", Tiến sĩ Rana nói tiếp. 

Julie Bindel đến một phòng khám khác ở khu vực ngoại ô yên tĩnh của Ahmedabad. "Khi tôi nói muốn tìm dịch vụ đẻ thuê thì bác sĩ nói, họ có thể làm tất cả từ A đến Z. Người mang thai hộ sẽ sống tập trung trong ký túc xá trong suốt quá trình mang thai. Tôi có thể trả tiền một lần toàn bộ hay làm nhiều lần", Julie Bindel nói.

Julie Bindel được đưa cho xem một danh sách những người phụ nữ có thể mang thai hộ để lựa chọn người mà cô cảm thấy hài lòng nhất. “Khi tôi hỏi rằng, mỗi người mang thai hộ sẽ nhận được bao nhiêu tiền thì các bác sĩ không cung cấp con số chính xác mà chỉ nói rằng, thu nhập 9 tháng bằng 6 năm làm việc của họ”, Julie Bindel nói tiếp.

Julie Bindel tìm đến phòng khám tiếp theo ở bang Gujarat. Sau khi điền vào mẫu đăng ký, trả lời những câu hỏi liên quan đến khả năng mang thai và trả 1.500 rupee (khoảng 15 bảng Anh), Julie Bindel đã được tiến sĩ Mehta tư vấn về vấn đề mang thai hộ. "Danh tính người hiến trứng phải được giữ bí mật nhưng bạn cũng có thể đưa ra yêu cầu theo sở thích như chiều cao, màu tóc... Chúng tôi có thể cung cấp danh sách những người phụ nữ mang thai hộ để bạn lựa chọn", bác sĩ Mehta nói. 

Những góc khuất

Ở Ấn Độ, những người mang thai hộ là tâm điểm của sự kỳ thị. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ quyết định rời khỏi làng trong suốt thời gian thai kỳ. Để có thể trở thành người mang thai hộ, những phụ nữ có nhu cầu phải đăng ký tên tuổi với các phòng khám và trải qua những đợt kiểm tra sức khỏe cần thiết xem có mắc căn bệnh di truyền nào hay không. Nhiều phụ nữ tìm đến phòng khám tư vấn mang thai hộ không biết chữ. Họ thậm chí phải hỏi nhân viên phòng khám cách điền vào các mẫu đăng ký mang thai hộ. Một số người đến đăng ký mang thai hộ cùng chồng của mình. 

Khi được hỏi về tình trạng phụ nữ mang thai hộ bị bạo lực gia đình trong thời kỳ mang thai, bác sĩ Amin thừa nhận rằng, "tình trạng đó đã từng xảy ra, cho dù không thực sự phổ biến. Năm ngoái, một phụ nữ mang thai hộ đã bị chồng đánh đập thậm tệ. Cô đã khóc và tìm đến nhờ chúng tôi giúp đỡ".

Julie Bindel cho biết, việc mang thai hộ cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Có trường hợp, trẻ em sinh ra bị chính cha mẹ mình bỏ rơi. Vào năm 2012, một cặp đôi người Australia đã không nhận hai đứa trẻ song sinh do một phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ với lý do họ không đủ khả năng nuôi cùng lúc 2 đứa trẻ.

"Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về việc phụ nữ bị chồng hay các băng đảng ép buộc tham gia vào ngành công nghiệp đẻ thuê. Các bác sĩ nói rằng, nếu không có sự đồng ý của chồng thì người phụ nữ không thể tham gia vào dịch vụ mang thai hộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những góc khuất chưa được biết đến", Julie Bindel nói.